Header Ads

Ngôn ngữ học là gì? Tổng quan về ngành Ngôn ngữ học

Ngôn ngữ học còn có tên gọi khác là ngữ lý học. Đây là một chuyên ngành nghiên cứu về ngôn ngữ. Người nghiên cứu về chuyên ngành này được gọi là nhà ngôn ngữ học. Nói theo trường phái rộng hơn, nó bao gồm ba lĩnh vực: hình thái ngôn ngữ, nghĩa của ngôn ngữ và ngôn ngữ trong ngữ cảnh. Vậy ngành Ngôn ngữ học là gì? Ra trường sẽ làm việc gì? Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về ngành học này để các bạn tham khảo.

1. Ngôn ngữ học là gì?

Ngôn ngữ học không đơn thuần chỉ là học tập về ngôn ngữ. Ngôn ngữ học mang đến cho con người những kiến thức về mặt lý thuyết, kỹ năng phân tích, khả năng ứng dụng có liên hệ mật thiết với ngôn ngữ loài người nói chung và Tiếng Việt gắn bó của chúng ta nói riêng. Giá trị đó đã giúp cho ngành Ngôn ngữ học trở nên bình dị và hữu ích với thực tiễn, đồng thời cũng rất thú vị và đầy hấp dẫn khi chúng ta khám phá.

Ngôn ngữ học là một chuyên ngành thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội, có nhiệm vụ nghiên cứu đối tượng chủ yếu là hệ thống những loại ngôn ngữ. Bên cạnh việc học tập ngôn ngữ thì ngành này còn mở rộng những kiến thức, lý thuyết, kỹ năng phân tích, khả năng ứng dụng của ngôn ngữ tại khắp nơi trên thế giới loài người.

Ngôn ngữ học là gì?

Theo quan điểm của Ngôn ngữ học thì trong quá trình phân tích, ngôn ngữ của loài người là một hệ thống có mối liên kết mật thiết giữa các âm thanh với nhau. Các âm thanh đó được cấu thành bởi thanh vị và hình vị, sau đó được truyền tải thông qua lời nói.

Mặt khác, ngành học này còn nghiên cứu sâu rộng hơn về ý nghĩa của các câu từ gắn liền với từng hoàn cảnh cụ thể, từng thời kỳ hay giai đoạn cụ thể cùng những biến chuyển của nó theo dòng chảy của nền văn hóa, xã hội.

Những người chuyên nghiên cứu về ngành Ngôn ngữ học được gọi là những Nhà Ngôn ngữ học. Theo thống kê chung, đa phần các nhà nghiên cứu thường tìm hiểu bản chất về sự khác nhau giữa các ngôn ngữ trên thế giới. Từ đó, họ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về khả năng ngôn ngữ của loài người. Các Nhà Ngôn ngữ học nổi tiếng của nước ta gồm có: Cao Xuân Hạo, Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Tuệ,...

2. Học ngành Ngôn ngữ học ra trường làm gì?

Học tập ngành Ngôn ngữ học cho phép chúng ta có một con đường triển vọng trong tương lai. Sau khi tốt nghiệp ngành này, sinh viên có thể tiếp tục du học ở nước ngoài hoặc cũng có thể làm việc trong các lĩnh vực sau:

Nghiên cứu viên (Làm việc tại các cơ quan nghiên cứu)

Nhiệm vụ của nghiên cứu viên Ngôn ngữ học: Chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ, tiếng Việt, văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Bên cạnh đó, họ còn có thể nghiên cứu nhằm xây dựng chính sách bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, biên soạn từ điển, sách giáo khoa, xây dựng chính sách giáo dục ngôn ngữ,…

Các đơn vị tuyển dụng đối với Nghiên cứu viên Ngôn ngữ học bao gồm: Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, Viện Từ điển và Bách khoa , Phân viện Khoa học Xã hội Tp. Hồ Chí Minh, Viện Đông Nam Á, Viện Cơ yếu, Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam,…

Nghiên cứu viên Ngôn ngữ học

Triển vọng của Nghiên cứu viên: Các Viện nghiên cứu thường xuyên tuyển dụng hàng năm những nhà nghiên cứu viên ở nhiều chuyên ngành khác nhau. Một số viện ở Việt Nam như Viện Ngôn ngữ học quốc gia, Viện Từ điển và Bách khoa thư Việt Nam,… đang tuyển dụng nghiên cứu viên với số lượng khá lớn.

Giảng viên dạy Ngôn ngữ học

Nhiệm vụ: Giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt cho sinh viên Việt Nam. Giảng dạy về văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam cũng như ở những nước khác.

Các đơn vị tuyển dụng gồm có: Khoa Ngôn ngữ học, Khoa Việt Nam học, Trung tâm Ứng dụng Ngôn ngữ học, Viện Việt Nam học và phát triển của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,...

Ngoài ra còn có khoa Ngữ Văn, Khoa Việt Nam học, Khoa văn hóa Việt Nam và tiếng Việt, các Trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài… của các trường cao đẳng, đại học và các Viện nghiên cứu trên toàn quốc.

Triển vọng của giảng viên Ngôn ngữ học: Hiện nay, ngày càng có nhiều trường đại học đã mở đào tạo ngành Ngôn ngữ học như một ngành đào tạo chủ yếu, đồng thời đưa các môn ngôn ngữ học và tiếng Việt học vào chương trình đào tạo của nhiều ngành khác.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang trên con đường hội nhập quốc tế, nhu cầu học tiếng Việt của người nước ngoài không ngừng gia tăng, trong khi số lượng giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thực tế. Điều đó đã mở ra cơ hội nghề nghiệp rất lớn cho các bạn sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ học yêu thích công tác sư phạm.

Biên tập viên (Biên tập xuất bản, Báo điện tử, Biên tập viên truyền hình)

Là người làm công tác biên tập tại các nhà xuất bản trong cả nước, các tòa soạn của những tờ báo, các đài phát thanh truyền hình trong cả nước. Họ là những người có vai trò mang đến cho độc giả những sản phẩm có nội dung và hình thức hoàn thiện nhất.
Nhiệm vụ của Biên tập viên là:
  • Đề xuất những yêu cầu cần thiết về nội dung đối với từng sản phẩm được xuất bản
  • Thiết kế, biên tập các sản phẩm sẽ xuất bản.
  • Sửa chữa các lỗi liên quan đến nội dung và hình thức của các sản phẩm sắp xuất bản.
  • Yêu cầu của một Biên tập viên Ngôn ngữ học:
  • Cẩn thận, kiên trì, có tính quyết đoán
  • Có kiến thức nền tảng vững chắc cùng kĩ năng diễn đạt lưu loát.
  • Có khả năng phát hiện kịp thời và xử lý vấn đề nhanh nhạy, chính xác.
  • Nhiệt tình và biết quý trọng sự sáng tạo.

Các đơn vị tuyển dụng đối với Biên tập viên Ngôn ngữ học gồm có: Các nhà xuất bản (NXB Giáo dục, NXB Khoa học Xã hội), Các cơ quan báo chí và truyền thông (như báo giấy, báo điện tử, các đài phát thanh truyền hình…).

3. Các trường có đào tạo ngành Ngôn ngữ học uy tín ở Việt Nam

Hiện nay, ngành Ngôn ngữ học phát triển rất sôi nổi. Vì vậy, có rất nhiều trường đang mở rộng đào tạo ngành này. Học sinh có thể tham khảo một số trường nổi tiếng ở nước ta như: Đại học Ngôn ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học và Xã hội và Nhân văn (tại Hà Nội, TP.HCM), Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, Đại học Sư Phạm TP.HCM,…

4. Mục tiêu đào tạo của ngành Ngôn ngữ học

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn,  những kiến thức nền tảng về ngôn ngữ học, ngôn ngữ và văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam.

Ngoài ra, ngành học này còn trang bị cho các em những kiến thức sơ khởi theo hướng chuyên ngành (Ngôn ngữ học, Việt ngữ học dành cho người nước ngoài), phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và công tác quản lý quốc gia về ngôn ngữ học, tiếng Việt và văn hóa của nước Việt Nam.

Sinh viên sẽ được đào tạo kỹ năng giải quyết vấn đề khi theo học ngành Ngôn ngữ học

Đào tạo cho sinh viên những kỹ năng nghề nghiệp chủ yếu nhất như: kỹ năng quan sát, kỹ năng phân tích và giải quyết các vấn đề thuộc chuyên ngành ngôn ngữ, kỹ năng trình bày và soạn thảo văn bản....

Bên cạnh đó là những kỹ năng bổ trợ như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng vận dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin vào thực tế. Tất cả những kỹ năng này đều rất cần thiết cho các hoạt động chuyên ngành, nghiệp vụ liên quan với ngôn ngữ học.

5. Những tố chất cần thiết để theo học ngành Ngôn ngữ học

Để theo đuổi thành công ngành Ngôn ngữ học, các em cần hội tụ những tố chất sau đây:
  • Có năng khiếu soạn thảo và trình bày văn bản
  • Có kỹ năng quan sát, phân tích và tổng hợp vấn đề
  • Có niềm đam mê, nhiệt huyết với ngành Ngôn ngữ học
  • Yêu tiếng Việt, yêu văn hóa Việt, đồng thời có niềm say mê nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới
  • Có kỹ năng sử dụng và điều khiển ngôn ngữ
  • Không mắc một số khuyết điểm như nói lắp, nói ngọng.
  • Có năng khiếu giao tiếp, nói chuyện lưu loát.

Ngành Ngôn ngữ học đối với nhiều người thì nó có vẻ thuần túy, trừu tượng và khó hiểu nhưng nếu có niềm đam mê, chịu tìm tòi, học hỏi sâu rộng về ngành thì ngành này sẽ trở nên vô cùng thú vị. Vì vậy, nếu có sự quyết tâm với ngành, các bạn nhất định sẽ gặt hái được nhiều thành công và có được nghề nghiệp ổn định trong tương lai.


Đăng Nhận Xét

0 Nhận xét