Header Ads

Ngành Chính trị học là gì? Cơ hội nghề nghiệp ra sao?

Trong xã hội của chúng ta, Chính trị học là một ngành học rất cần thiết vì nó cung cấp cho con người hệ thống tri thức nền tảng, cơ bản nhất về các vấn đề chính trị, xã hội cùng những kỹ năng giải quyết vấn đề có thể gặp trong sự biến chuyển phức tạp của cuộc sống. Vì vậy, ngành Chính trị học thu hút ngày càng nhiều bạn trẻ theo học. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu đến bạn đọc những thông tin chi tiết về ngành Chính trị học.

1. Tổng quan về ngành Chính trị học

Chính trị là lĩnh vực quan hệ hoạt động giữa các giai cấp, giữa các dân tộc và các quốc gia về vấn đề gìn giữ, tổ chức và sử dụng quyền lực của Nhà nước. Đó là sự tham gia của nhân dân vào những hoạt động của Nhà nước và của toàn xã hội, là hoạt động thực tiễn của các tầng lớp, giai cấp, các đảng phái chính trị, các nhà nước nhằm tìm ra những phương hướng thực hiện đường lối cùng những mục tiêu đã đề ra nhằm mang lại lợi ích cho mọi người.

Ngành Chính trị học là gì? Cơ hội nghề nghiệp ra sao?

Chính trị học hay khoa học về chính trị là một ngành nghiên cứu về mặt lý thuyết và thực tiễn chuyên về chính trị, mô tả và phân tích các hệ thống chính trị và những cách ứng xử chính trị.

Các lĩnh vực cơ bản của chính trị học gồm có triết học chính trị, lý thuyết chính trị, giáo dục công dân và chính trị đối sánh, phân tích chính trị (cross-national political analysis), các hệ thống quốc gia, phát triển về mặt chính trị, mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường chính sách ngoại giao, hệ thống luật pháp quốc tế, quản lý hành chính đi đôi với ứng xử quản lý hành chính, luật, hệ thống chính sách xã hội,...

Ngành Chính trị học đào tạo cử nhân chuyên ngành Chính trị, có khả năng nắm vững thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời am hiểu về hệ thống tri thức cơ bản của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Quan trọng nhất là các lĩnh vực gắn liền với Chính trị học. Dựa trên cơ sở đó, họ có thể vận dụng lý luận, phương pháp cùng nhiều kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn của ngành Chính trị học trong nhiều lĩnh vực hoạt động có liên quan đến đời sống xã hội.

Ngành Chính trị học cơ hội nghề nghiệp ra sao?

Những Cử nhân chuyên ngành Chính trị học sẽ luôn có đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân, luôn tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển quốc gia.

2. Mục tiêu của ngành Chính trị học

Đào tạo cử nhân Chính trị học hoàn thiện những phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và có sức khoẻ tốt, có thể đảm đương các công việc sau:
  • Giảng dạy, nghiên cứu Chính trị học tại các trường Đảng trong một khu vực nhất định, các trường Chính trị cấp tỉnh, thành phố, các trung tâm giáo dục chính trị tại các địa phương, các trường cao đẳng, đại học cũng như các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề.
  • Làm việc trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị.
  • Làm việc trong các tổ chức kinh tế - xã hội trên toàn quốc.

Về trình độ lý luận chính trị và kiến thức về khoa học

Sinh viên sẽ được đào tạo một cách cơ bản và hệ thống hóa về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, đi đôi với chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Sinh viên sẽ có kiến thức tổng hợp, nhất là những kiến thức về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, về toàn thế giới nói chung cũng như đất nước và con người Việt Nam nói riêng dựa trên các phương diện: lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội,...

Sinh viên theo học ngành Chính trị học sẽ hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực khoa học chính trị như: Lịch sử hình thành những tư tưởng chính trị, Quyền lực chính trị, Thể chế chính trị trên toàn thế giới, các mối quan hệ chính trị quốc tế, xã hội học chính trị cùng với phương pháp tiếp cận và xử lý các tình huống chính trị, phương pháp quản lý xã hội, Tâm lý học trong công tác quản lý cũng như lãnh đạo,...

Có năng lực ngoại ngữ và tin học để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Về phẩm chất chính trị và đạo đức

Sinh viên sẽ được rèn luyện để có lập trường vững vàng, có lý tưởng chủ nghĩa Cộng sản và bản lĩnh chính trị, có niềm tin tưởng tuyệt đối và trung thành hết mực với sự nghiệp của quốc gia, luôn hướng đến mục tiêu độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, có năng lực bảo vệ hữu hiệu nhất Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng.

Một lớp về Chính trị học

Có đạo đức, tác phong của một người cán bộ cách mạng bao gồm: cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần cách mạng trong sáng, có tính trách nhiệm cao, đam mê với nghề nghiệp và quan hệ gắn bó với quần chúng nhân dân.

Hệ thống những kỹ năng nghề nghiệp căn bản

Có trình độ, năng lực vận dụng một cách sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vào từng lĩnh vực được phân công.

Có trình độ năng lực vững vàng để góp phần tham mưu, lãnh đạo, quản lý; có khả năng tổ chức thực tiễn, đặc biệt là tổ chức, tập hợp, kêu gọi nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết để thực hiện thành công đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa quốc gia.

Có năng khiếu nghiên cứu khoa học, có thể tham gia và chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học. Đồng thời có năng lực sư phạm, kỹ năng giảng dạy Chính trị học và khả năng học lên các cấp học cao hơn.
Có đủ sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

3. Điểm chuẩn tuyển sinh của ngành Chính trị học

Các bạn có thể tham khảo thang điểm chuẩn tại các trường đại học có đào tạo ngành Chính trị học trong những năm gần đây. Trong vài năm trở lại đây, mức điểm chuẩn của ngành Chính trị học dao động từ 14 - 23 điểm xét theo kết quả của kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia.

4. Các trường có đào tạo ngành Chính trị học

Nếu muốn theo đuổi ngành Chính trị học, các bạn có thể đăng ký nguyện vọng vào một trong các trường sau:

Khu vực miền Bắc
  • Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Đại học Sư Phạm Hà Nội
  • Học viện Báo chí và Tuyên truyền
  • Đại học Nội vụ
  • Đại học Thủ Đô Hà Nội

Khu vực miền Trung
  • Đại học Hà Tĩnh
  • Đại học Vinh

Khu vực miền Nam
  • Học viện cán bộ TP.HCM
  • Đại học Trà Vinh
  • Đại học Cần Thơ
  • Đại học Thủ Dầu Một

5. Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Chính trị học

Sinh viên ngành Chính trị học khi tốt nghiệp ra trường có nhiều cơ hội nghề nghiệp. Với những kiến thức sâu rộng mà sinh viên đã được đào tạo trong trường, các bạn có thể đảm nhận một trong các công việc sau:
  • Làm công tác tư vấn, tham mưu tại các cơ quan đề xuất, hoạch định đường lối, chính sách cho Đảng và Nhà nước.
  • Làm công tác tư vấn, tham mưu tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị cũng như các tổ chức kinh tế – xã hội trong cả nước.
  • Làm công tác nghiên cứu ở các cơ quan chuyên về lý luận chính trị.
  • Làm phóng viên, biên tập viên bình luận các vấn đề thời sự, chính trị tại các tờ báo, đài trực thuộc trung ương hoặc địa phương.
  • Làm công tác nghiên cứu và giảng dạy chuyên môn Chính trị học trong hệ thống các trường Đảng, các trường đại học, cao đẳng cũng như các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề.


Cơ hội nghề nghiệp của ngành Chính trị học luôn rộng mở

6. Mức lương của những nhân viên làm trong ngành Chính trị học

Hiện nay, chưa có thống kê chi tiết về mức lương những nhân viên làm trong ngành Chính trị học. Nếu sau khi ra trường, các bạn làm việc tại cơ quan trực thuộc nhà nước thì mức lương của bạn sẽ được tính theo các văn bản quy định hiện hành. Ngoài ra, nếu bạn làm việc tại các đơn vị tư nhân thì tùy thuộc vào vị trí công việc, năng lực và số năm kinh nghiệm mà mỗi người sẽ có những mức lương khác nhau.

7. Những tố chất thích hợp để theo học ngành Chính trị học

Để học tập và tiến xa hơn trong ngành Chính trị học, học sinh cần hội tụ các tố chất sau đây:
  • Tôn trọng và tuân thủ một cách nghiêm túc Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.
  • Có ý thức phục vụ hết mình vì cộng đồng.
  • Có tác phong “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư".
  • Tinh tế và nhạy bén trong các vấn đề về chính trị.
  • Có sự tư duy độc lập và mang tính sáng tạo.
  • Có sự bản lĩnh chính trị thật vững vàng.
  • Có khả năng thuyết trình trước đám đông và trình bày lưu loát những vấn đề.
  • Có niềm đam mê nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi.
  • Chủ động, tự giác và có tinh thần, trách nhiệm cao trong công việc, có ý thức tổ chức, kỷ luật tốt, luôn tôn trọng và bảo vệ lợi ích chung của tổ chức.

Qua những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng các bạn sẽ có được một cái nhìn tổng quan về ngành Chính trị học. Từ đó, các bạn sẽ xác định bản thân có phù hợp với ngành này hay không và tự tin ứng tuyển vào những ngôi trường mà mình yêu thích nhé!


Đăng Nhận Xét

0 Nhận xét