Vừa đi học vừa đi làm có lẽ là hình ảnh quen thuộc của sinh viên, vừa có thể học kĩ năng mềm lại có thêm chi phí để trang trải chi phí sinh hoạt. Ấy vậy mà không phải ai cũng đủ tỉnh táo để cảnh giác những việc làm sau, nhất là sinh viên năm nhất - người được cho là dễ bị đưa vào bẫy của những kẻ lừa đảo nhất.
1. Đa cấp
Tuy đã có rất nhiều vụ việc và thông tin được đưa ra cảnh báo nhưng những sinh viên năm nhất vẫn là đối tượng mà đa cấp, đa cấp trá hình lợi dụng nhiều nhất. Chúng hay loanh quanh ở khu vực sinh viên hay sinh hoạt như sân trường, kí túc xá, công viên để lân la trò chuyện và đưa ra lời hứa hẹn "triệu đô", dụ dỗ bán sim thẻ, buôn bán những mặt hàng “mập mờ” không rõ nguồn gốc, mời gọi góp vốn với lời hứa “1-đổi-10”, thậm chí đưa ra lời khuyên bỏ học, đi làm start-up đầy thu hút, nghe vô lý nhưng lại rất thuyết phục, nếu không thật tỉnh táo, bạn rất dễ rơi vào bẫy của hệ thống tinh vi này.
2. Trung tâm tiếng anh
Marketing, sales, tư vấn viên là những vị trí được mời mọc nhiều nhất kèm mức lương hấp dẫn và khoá học tiếng anh miễn phí. Tuy nhiên, trước khi được nhận vào làm thì việc các ứng viên cần làm là nộp X triệu đồng hoặc có thể hơn gọi là phí "cơ sở vật chất". Và đối tượng bị lừa nhiều nhất vẫn lại là sinh viên năm nhất. Sự cần thiết của việc học tiếng Anh trong thời điểm hiện tại dẫn đến việc mọc lên như nấm của các trung tâm tiếng Anh giao tiếp, ôn thi TOEIC, IELTS, chi phí cho việc học thì khá là cao khiến cho từ "dạy miễn phí" càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Kết quả họ nhận được là có giáo viên đến dạy nhưng chất lượng dở tệ, lời hứa có giáo viên nước ngoài học kèm thì là những "Tây balo" được thuê theo giờ, không chứng chỉ, không bằng cấp, càng không có năng lực giảng dạy. Phí "cơ sở vật chất" thì cũng đã nộp, lương có khi bị quỵt và trung tâm đến lúc phát hiện cũng là trung tâm ma.
Nạn nhân của một trung tâm tiếng Anh bị lừa vào đường dây đa cấp (Nguồn: Trung tâm VTV24) |
3. Trung tâm gia sư
Có lẽ thời sinh viên, công việc vừa nhàn hạ vừa dễ kiếm thêm thu nhập nhất đó là gia sư tại nhà. Nếu không có người thân giới thiệu hay may mắn tự tìm được thì phải tìm đến những trung tâm gia sư, cọc trước một khoản phí tầm 400-500k hoặc nợ phí 30%, 40% hoặc 50% lương tháng đầu để được cung cấp lớp học phù hợp.
Tiền thì đã cọc, hợp đồng thì đã kí, nhưng rất có thể ngày đầu đến nhà học sinh cái bạn nhận được chỉ là tiếng "thuê bao.." khi gọi cho phụ huynh. Thắc mắc và đòi lại tiền cọc với những kẻ lừa lọc đội lốt trung tâm này, điều những sinh viên nhận được là sự đổ lỗi cho gia đình phụ huynh, không nhận trách nhiệm về mình, thậm chí là thuê xã hội đen dọa đánh.
Để tránh trường hợp vô tình đẩy bản thân trở thành nạn nhân, trước khi kí hợp đồng với bất kì trung tâm nào, bạn nên tìm hiểu thật kĩ những thông tin tuyển dụng ví dụ như địa chỉ có thật hay không và có thể đọc rất nhiều những review về trung tâm này trên các group Facebook để tham khảo kĩ hơn.
Lời kết
Hiện tại sẽ không chỉ có 3 mà còn rất nhiều những “việc nhẹ lương cao” xuất hiện đầy cám dỗ trong tương lai với muôn và hình thức tinh vi hòng lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin đặc biệt là sinh viên các trường đại học. Bất cứ nghề nghiệp nào các bạn chọn cũng có những rủi ro nhất định, nhưng nếu tự trang bị cho mình đủ kiến thức và cảnh giác bạn hoàn toàn có thể đặt mình vào nơi an toàn nhất.
0 Nhận xét