Header Ads

Ngành Thống kê là gì? Ra trường làm gì?

Hiện nay, thống kê ngày càng giữ vị trí quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Những số liệu thống kê được sử dụng rất phổ biến trên hầu hết các khía cạnh, lĩnh vực của đời sống con người. Đây là ngành học được đánh giá rất cao và được nhiều học sinh quan tâm. Để giúp các bạn hiểu rõ hơn về ngành học thú vị này, bài viết sau đây xin chia sẻ thông tin tổng hợp về ngành Thống kê.

1. Tổng quan về Thống kê

Thống kê là một phương pháp định lượng được sử dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh. Nó có mối liên hệ mật thiết với hệ thống thông tin từ dữ liệu tối ưu nhất. Từ đó có thể dùng để hỗ trợ hoạt động đưa ra những quyết định.

Thống kê thường được ứng dụng vào mục đích dự báo kinh doanh, kiểm soát chất lượng và nghiên cứu những biến động của thị trường. Dữ liệu được sử dụng trong hoạt động kinh doanh bao gồm các cuộc điều tra tổng hợp về dân số, các cuộc khảo sát ý kiến dư luận, tham khảo đánh giá của người tiêu dùng, doanh số bán hàng và hệ thống dữ liệu nhu cầu.

Khái quát về Thống kê

Vai trò của các nhà chuyên làm công tác thống kê là xác định, phân tích, đưa ra những câu hỏi giả thuyết, phân tích các dữ liệu cần thiết, phương thức những dữ liệu sẽ được thu thập và làm thế nào hệ thống dữ liệu được phân tích một cách tốt nhất để đưa ra những kết quả cụ thể.

2. Ngành Thống kê học những gì?

Ngành Thống kê là ngành học chuyên nghiên cứu các nội dung, sự kiện, vấn đề liên quan đến hệ thống dữ liệu như thu thập, giải thích, phân tích, biểu diễn, và tổ chức kết quả dữ liệu. Thống kê được ứng dụng vào phần lớn các lĩnh vực khoa học đa dạng như khoa học về kinh tế, xã hội, sinh học, y học,, dược học, công nghiệp, nông nghiệp,...

Khi có thêm sự hỗ trợ của ngành Toán học và Công nghệ thông tin, ngành Thống kê sẽ cho phép khám phá gần như tất cả mọi khía cạnh, mọi phương diện của dữ liệu, hướng đến giải quyết rất nhiều bài toán quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp thế hệ 4.0.

Ngành thống kê là gì?

Chương trình đào tạo của ngành Thống kê sẽ cung cấp cho sinh viên hệ thống kiến thức nền tảng về Thống kê theo phương thức cổ điển và hiện đại. Hơn thế nữa, sinh viên còn được trang bị một vài kỹ năng cần thiết để có thể thực hành trên những phần mềm Thống kê chuyên dụng như R, SPSS, Minitab,...

3. Vai trò của ngành Thống kê đối với xã hội

Trong hệ thống phân công lao động của toàn xã hội loài người, Thống kê giữ vai trò rất quan trọng trong vấn đề đáp ứng nhu cầu kết quả thống kê một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời nhằm phục vụ cho công tác quản lý vĩ mô và vi mô.

Cử nhân Thống kê là những cá nhân có năng lực chuyên môn khá giỏi trở lên, có khả năng phát hiện đi kèm với giải quyết nhiều vấn đề chuyên môn trong thực tế, có khả năng công tác trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp mẫu mực.

4. Mục tiêu đào tạo của ngành Thống kê

Chương trình đào tạo của ngành Thống kê được thiết lập nhằm mang lại cho sinh viên những cơ hội việc làm đầy lạc quan trong chuyên môn thống kê hoặc nhiều lĩnh vực liên quan khác.

Sinh viên ngành Thống kê sẽ được trang bị những kiến thức nền tảng về lý luận kinh tế - xã hội, lý luận chính trị, triết lý kinh doanh và quản lý, tài chính. Ngoài ra,  các bạn cũng sẽ được trau dồi kỹ năng học tập toán ứng dụng, công nghệ thông tin, thống kê lý thuyết, thống kê ứng dụng chuyên sâu nhằm thực hiện công tác nghiên cứu thống kê dựa trên ứng dụng của công nghệ thông tin.

Sinh viên ngành thống kê

Ngành Thống kê cũng chú trọng rèn luyện cho sinh viên những kỹ năng cơ bản cũng như kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn, có thể đáp ứng yêu cầu phát triển bản thân và nghề nghiệp trong môi trường hội nhập kinh tế thế giới hiện nay.

Chương trình đồng thời góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức chính trị, đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội và nghề nghiệp. Nâng cao sự tuân thủ pháp luật và thực hiện những hành vi phù hợp, nâng cao tinh thần học tập vững bền cho sinh viên.

5. Nhu cầu xã hội đối với ngành Thống kê

Ước tính trong vòng 5 năm trở lại đây, riêng Tổng cục Thống kê đã cần tuyển dụng đến hơn 500 nhân viên. Ngoài ra, nhu cầu về nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng về chuyên môn thống kê của toàn quốc là rất lớn và phong phú. Tuy nhiên, theo thông tin của các trường có đào tạo ngành Thống kê, hàng năm, ngành này chỉ tuyển được tỷ lệ học sinh học tập đúng chuyên ngành vào khoảng 20%.
Hiện nay, hệ thống những ngôi trường có đào tạo Cử nhân Thống kê chỉ chiếm số lượng nhỏ. Trong đó, có 4 trường lớn chủ yếu đào tạo cử nhân chuyên ngành Thống kê là Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Kinh tế TP.HCM.

Đại học Kinh tế Quốc dân

Tuy nhiên, phần lớn các trường này đều gặp khó khăn trong vấn đề tuyển sinh đối với ngành Thống kê, có trường phải đóng cửa ngành vì không tuyển đủ học sinh đăng ký dự tuyển.

Theo tổng kết chung của Tổng cục thống kê, hiện ngành Thống kê đang rất thiếu nhân viên có trình độ chuyên môn, được đào tạo đúng chuyên ngành ở các bậc đào tạo. Hiện tại, số Cử nhân được đào tạo đúng chuyên ngành Thống kê chỉ chiếm xấp xỉ 20%, trong khi nhu cầu hàng năm là khá lớn (300 đến 400 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm) ở các cơ quan thống kê trực thuộc nhà nước và các doanh nghiệp, công ty tư nhân ngoài nhà nước.

6. Các khối tuyển sinh vào ngành Thống kê

Mã ngành Thống kê: 7460201. Ngành Thống kê xét tuyển theo các tổ hợp môn học sau:

  • Khối A00: Toán - Vật Lý - Hóa Học
  • Khối A01: Toán - Vật Lý - Tiếng Anh
  • Khối D01: Ngữ Văn - Toán - Tiếng Anh
  • KHối D07: Toán - Hóa Học - Tiếng Anh

Điểm chuẩn tuyển sinh vào ngành Thống kê những năm gần đây của một số trường đại học như sau:

  • Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: 23.75 điểm 
  • Trường Đại học Kinh tế TP. HCM: 21.81 điểm 
  • Trường Đại học Kinh tế - ĐH Huế: 14 điểm
  • Trường Đại học Kinh tế - ĐH Đà Nẵng: 19.75 điểm
  • Trường Đại học Tôn Đức Thắng: 17 điểm 
  • Trường Đại học Quy Nhơn: 18 điểm (xét tuyển theo hình thức học bạ và kết quả kỳ thi THPT Quốc gia).

7. Cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Thống kê

Là ngành học giữ vai trò khá quan trọng, ngành Thống kê được đánh giá là ngành học có triển vọng việc làm khá lớn trong những năm gần đây. Sau khi tốt nghiệp ngành Thống kê, sinh viên có thể đảm nhận một số vị trí công tác sau đây:

  • Làm việc đúng chuyên ngành Thống kê trong hơn 700 đơn vị Thống kê nhà nước ở nước ta như: Tổng cục thống kê Việt Nam, Cục thống kê cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hơn 640 chi cục thống kê cấp quận, huyện và thị xã.
  • Làm công việc tổng hợp và báo cáo những dữ liệu, phân tích thống kê về các vấn đề kinh tế - xã hội ở các sở, các ban ngành kinh tế ở các cấp bậc chính quyền từ trung ương đến địa phương.
  • Làm công tác điều tra và thu thập dữ liệu tại các công ty, doanh nghiệp, phân tích nghiên cứu thị trường.
  • Chuyên viên phân tích hệ thống dữ liệu, nghiên cứu viên tại các Viện nghiên cứu về lĩnh vực Kinh tế - xã hội.
  • Làm công tác giảng dạy các học phần thuộc chuyên ngành Thống kê tại các cơ sở giáo dục cấp đại học, cao đẳng hoặc trung học chuyên nghiệp trên cả nước. Theo báo cáo thì hiện nay có khoảng 60% trong tổng số các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp ở Việt Nam có giảng dạy các học phần liên quan đến thống kê.
  • Ngoài ra, Cử nhân tốt nghiệp ngành Thống kê còn có cơ hội làm việc trong các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn kỹ thuật công nghệ theo xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, chẳng hạn như: TMA Solutions, Zalo, FPT Software, Orenj Technology, Tiki, Coccoc, Lazada,…


Chuyên viên thống kê

Mức lương của nhân viên công tác trong ngành Thống kê được xem là khá hậu hĩnh. Với những bạn sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, mức lương của các bạn dao động trong khoảng 7 đến 9 triệu mỗi tháng. Còn đối với  những nhân viên có 1 năm kinh nghiệm làm việc, mức lương sẽ dao động từ 8 đến 10 triệu mỗi tháng và có thể cao hơn.

8. Những tố chất phù hợp với ngành Thống kê

Để có thể theo học và thành công với ngành Thống kê, các bạn học sinh cần có một số tố chất sau đây:

  • Yêu thích học tập môn Toán và những môn học có liên quan đến Toán học như giải tích, xác suất thống kê, vi tích phân, đại số học,...
  • Có tố chất cẩn thận và luôn tỉ mỉ trong công việc.
  • Có bản tính trung thực, ham học hỏi, chịu khó tìm tòi.
  • Có kỹ năng sáng tạo trong công việc.
  • Yêu thích làm việc nhóm.
  • Có năng khiếu về Tin học và ngoại ngữ.

Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về ngành Thống kê. Mến chúc các bạn yêu thích ngành này sẽ học tập thật tốt và sẽ có công việc ổn định với mức lương hấp dẫn trong tương lai.


Đăng Nhận Xét

0 Nhận xét