Header Ads

Ngành Khoa học môi trường làm gì? Triển vọng nghề nghiệp ra sao?

Môi trường có rất nhiều vai trò khác nhau như tạo không gian sống cho con người cùng các sinh vật, dự trữ, lưu giữ và cung cấp những thông tin, chứa đựng các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết, chứa đựng các chất phế thải do con người và các sinh vật tạo ra,... Theo những thế hệ đi trước, Khoa học môi trường là một ngành học không kém phần thú vị và mang đến nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho những bạn sinh viên ra trường.

1. Khái quát về ngành Khoa học môi trường

Khoa học môi trường là ngành khoa học chuyên nghiên cứu những mối quan hệ cùng sự tương tác giữa con người với môi trường xung quanh, từ đó đưa ra mục tiêu bảo vệ môi trường sống của con người cùng các sinh vật trên trái đất.

Khoa học Môi trường là một ngành khoa học độc lập, được xây dựng dựa trên cơ sở tổng hợp những kiến thức của các ngành khoa học cơ bản như: Sinh học, Hóa học, Địa chất học, Địa lý học,…

Từ đó, ngành này sẽ đề ra những phương pháp và nội dung nghiên cứu chi tiết, các kỹ thuật và công nghệ nhằm giải quyết một vấn đề về môi trường như: giảm thiểu, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó là sự thu hồi, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất thải thông qua các biện pháp hóa, lý, sinh học; các biện pháp quản lý, góp phần bảo vệ môi trường sống và phục vụ nhu cầu phát triển vững bền.

Ngành Khoa học môi trường làm gì? Triển vọng nghề nghiệp ra sao?

Các nhà khoa học về môi trường sẽ có những hoạt động như việc hiểu biết về các quá trình hình thành và vận động của Trái Đất, đánh giá nguồn năng lượng thay thế, kiểm soát và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, quản lý tài nguyên môi trường,...

2. Ngành Khoa học môi trường sẽ học những gì?

Sinh viên theo học ngành Khoa học Môi trường sẽ được trang bị hệ thống kiến thức căn bản và chuyên sâu về: Quan trắc môi trường, hệ thống quản lý môi trường, kiểm soát những rủi ro và tai biến của môi trường.

Bên cạnh đó, các em còn được giảng dạy những kiến thức về quản lý môi trường khu vực, quản lý hệ sinh thái môi trường, hóa học môi trường đất; hoạt động quản lý và sử dụng các chất thải nông nghiệp, hoạt động quy hoạch sử dụng đất đai.

Ngoài ra, một số nội dung chuyên môn khác cũng sẽ được giảng dạy trong chương trình đào tạo như: Hóa chất nông nghiệp, ứng dụng mô hình hóa và hệ thống thông tin địa lý, những phương pháp đánh giá biến động tầng khí quyển, phóng xạ khí quyển, quá trình biến đổi khí hậu,...

Bên cạnh những kiến thức chuyên môn, sinh viên còn thường xuyên được thực hành trong các phòng thí nghiệm, làm quen dần với hoạt động thí nghiệm hóa đại cương, hóa vô cơ và hóa hữu cơ, hóa phân tích, thí nghiệm vi sinh, hóa lý, hóa kỹ thuật môi trường, xử lý chất thải,...

3. Học ngành Khoa học Môi trường sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì? Làm ở đâu?

Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học Môi trường sẽ có cơ hội đảm nhận công việc với những vị trí như:
  • Chuyên gia về môi trường tại các cơ sở sản xuất, các nhà máy xử lý chất thải, các công ty cấp thoát nước, nhà máy xử lý chất thải, xử lý nước, các khu đô thị, khu chế xuất, khu công nghiệp, các công ty, tổ chức về môi trường.
  • Làm chuyên viên môi trường tại các Bộ, Sở, Phòng Tài nguyên và Môi trường
  • Làm việc tại các Trung tâm phân tích, quan trắc về môi trường.
  • Đảm nhận vai trò là cảnh sát môi trường, thanh tra môi trường.
  • Trở thành tư vấn viên, giám sát viên của các tổ chức trong nước và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực môi trường
  • Chuyên viên an toàn vệ sinh môi trường lao động và sức khỏe xã hội trực thuộc các công ty xuyên quốc gia.
  • Giảng viên giảng dạy các môn khoa học về môi trường tại các trường cao đẳng, đại học trong cả nước,...

4. Một số ngành học điển hình của Khoa học môi trường


Chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường

Tham gia học ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức chuyên sâu về môi trường, cách phân tích thực trạng cũng như đề xuất những phương pháp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường.

Chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường

Không chỉ vậy, sinh viên còn được tiếp cận với các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải, nước thải, khí thải. Các em còn được đào tạo kỹ năng xây dựng, thiết kế, vận hành và quản lý các hệ thống xử lý chất thải.

Chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường

Đối với ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, sinh viên sẽ được giảng dạy những kiến thức chuyên ngành quản lý về lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên như năng lượng, khoáng sản, không khí, đất, nước, rừng, hệ sinh thái,...

Hơn nữa là hệ thống kiến thức về quản lý tình hình ô nhiễm môi trường, hệ thống luật và chính sách về tài nguyên môi trường, đánh giá những tác động đa dạng của môi trường, công nghệ xử lý chất thải.

Học chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường không yêu cầu các bạn sinh viên quá nhiều về vấn đề công nghệ, kỹ thuật nhưng lại đòi hỏi khả năng hệ thống những kiến thức, kỹ năng phân tích, đánh giá tác động, tổng hợp kết quả nhằm đề ra những phương pháp quản lý tối ưu nhất.

5. Những trường đào tạo ngành Khoa học môi trường uy tín ở nước ta

Ở nước ta có những trường đào tạo ngành Khoa học môi trường rất nổi tiếng như:

Khu vực miền Bắc
  • Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam
  • Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên
  • Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên
  • Trường Đại học Thành Tây

Khu vực miền Trung
  • Trường Đại học Vinh
  • Trường Đại học Hà Tĩnh
  • Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế
  • Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng

Khu vực miền Nam
  • Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học  Quốc gia TP. HCM
  • Trường Đại học Tôn Đức Thắng
  • Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM
  • Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM
  • Trường Đại học Sài Gòn
  • Trường Đại học Cần Thơ
  • Trường Đại học Dân lập Lạc Hồng
  • Trường Đại học Bạc Liêu
  • Trường Đại học Thủ Dầu Một – Bình Dương
  • Trường Đại học Đồng Tháp

6. Những tố chất cần thiết để theo học ngành Khoa học môi trường

Để có thể theo học thành công ngành Khoa học môi trường, các bạn học sinh cần có một vài tố chất sau đây:
  • Yêu thiên nhiên, yêu môi trường, có năng khiếu tìm tòi, ham học hỏi và tư duy khoa học
  • Năng động, sáng tạo, tự tin và nhiệt huyết
  • Cẩn thận, kiên trì
  • Có khả năng làm việc nhóm
  • Có kỹ năng thuyết trình và kỹ năng giao tiếp
  • Can đảm và dám chấp nhận những thử thách
  • Có sức khỏe tốt
  • Có khả năng chịu được áp lực công việc.

Yêu thiên nhiên, môi trường là một trong những tố chất cần thiết để theo đuổi ngành Khoa học môi trường.


7. Vì sao nên chọn theo học ngành Khoa học môi trường?

Những người làm trong ngành Khoa học môi trường luôn là những người đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường, đóng góp sức mình và hỗ trợ mọi người cùng giải quyết những thách thức mang tính môi trường toàn cầu như hiện nay. Họ không chỉ làm việc trong phạm vi một quốc gia của mình mà còn mở rộng ra một khu vực, thậm chí trên toàn thế giới.

Khoa học môi trường mang tính đa ngành. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có nhiều cơ hội làm việc tại rất nhiều vị trí khác nhau. Mức lương nói chung không hề thấp, thậm chí có một số vị trí mà mức lương có thể lên đến 20 triệu đồng mỗi tháng.

Chính vì vậy, có thể nói ngành Khoa học môi trường là một trong những ngành đầy triển vọng, mang tính toàn cầu, tạo cơ hội việc làm rất cao cho sinh viên khi ra trường. Nếu như các em học sinh cảm thấy mình có những tố chất phù hợp với ngành này thì hãy nộp đơn dự tuyển nhé! Chúc các em sẽ trở thành những chuyên viên môi trường, kỹ sư môi trường đầy tài năng trong tương lai.


Đăng Nhận Xét

0 Nhận xét