Ghi chép là một việc rất quan trọng mà bạn cần làm khi nghe giảng. Sinh viên hiện nay thường có xu hướng cảm thấy khó khăn trong việc vừa nghe giảng và vừa ghi chép đầy đủ. Để giải quyết vấn đề này, hãy kéo xuống dưới để tìm hiểu về 3 cách ghi chép bài hiệu quả giúp bạn tiếp thu và ôn tập một cách dễ dàng nhất. Tất cả những gì bạn cần là 1 cây bút, 1 cuốn sổ và sự tập trung.
Chuẩn bị kỹ lưỡng trước giờ học
Trước khi đi vào một số phương pháp ghi chép ưu việt, mình muốn bạn có được sự chuẩn bị cần thiết khi tới lớp học. Việc ghi chép và hiểu bài cũng sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu có chuẩn bị từ nhà.
Hãy cố gắng dành ra ít nhất 5 phút đọc qua những gì sẽ học trong buổi học tới, chủ yếu là để nắm rõ các đề mục và câu hỏi quan trọng. Khi tới lớp, bạn sẽ dễ dàng ghi chú hơn khi biết trước khung nội dung bài giảng. Không nhất thiết là bạn phải nhớ tất cả mọi thứ ngay từ khi ở nhà, chỉ cần lướt qua thôi là được.
3 kỹ thuật ghi chép giúp sinh viên ghi bài hiệu quả
1) Phương pháp lập dàn ý (Outlining Method)
Đây là một trong những kỹ thuật đơn giản nhất để ghi chép bài một cách có tổ chức. Nếu đã chuẩn bị bài ở nhà, bạn sẽ dễ dàng biết rằng mục nào là chính, mục nào là phụ. Nếu chưa, hãy chú ý vào những gì giảng viên nói, slide bài giảng cũng như dựa vào giáo trình. Bạn cần ghi những mục quan trọng ở gần với lề hơn, chữ lớn hơn (in hoa chẳng hạn). Các đề mục kém quan trọng hơn sẽ được ghi ở dưới và thụt lề vào một chút.
Việc quan trọng nhất là bạn cần nhận định chính xác các đề mục cũng như thứ bậc của chúng để đánh số đúng cũng như giữ khoảng cách với lề vở hợp lý để dễ nhìn hơn. Giữa các đề mục cũng nên có 1-2 dòng trống để bổ sung các thông tin khi cần. Hiện nay, hầu hết các sinh viên cũng như học sinh trung học có xu hướng sử dụng cách ghi chép này.
2) Phương pháp ghi chép của Cornell
Phương pháp ghi chép Cornell không đơn giản như phương pháp lập dàn ý bên trên. Nó đòi hỏi nhiều thao tác hơn, nhưng hiệu quả chắc chắn là không làm bạn thất vọng.
Sự khác biệt giữa 2 kỹ thuật chính là cách phân chia trang. Bạn sẽ bắt đầu với việc cắt ngang mặt giấy thành 3 phần, sau đó thêm 1 đường dọc ở giữa để chia nó thành hai cột, 30% bên trái và 70% bên phải. Một trên đầu trang sẽ có tiêu đề, lớp, ngày tháng... Phần giữa là phần quan trọng nhất. Đây là nơi mà bạn sẽ viết tất cả những kiến thức quan trọng từ bài giảng. Cột bên phải dùng để ghi những thông tin căn bản, quan trọng nhất, trong khi bên trái dùng để viết các thông tin bổ sung. Phần dưới cùng là nơi ghi bản tóm tắt của bài giảng.
Phương pháp ghi chép Cornell là một trong những kỹ thuật đặc biệt hiệu quả mà sinh viên hoàn toàn có thể áp dụng,
3) Phương pháp sử dụng Sơ đồ tư duy
Chắc hẳn sẽ có những lúc giảng viên nói nhanh đến mức bạn ghi không kịp. Phương pháp lập sơ đồ tư duy chính là cứu tinh cho những sinh viên cần ghi chép nhiều, hoặc đơn giản là lười ghi mà vẫn học tốt.
Khi lập một sơ đồ tư duy, hãy bắt đầu với hình khối lớn nhất ở giữa trang giấy, ghi chủ để của cả bài học hôm đó; sau đó tách ra các nhánh dẫn đến những khối nhỏ hơn, ghi các đề mục lớn; rồi từ đó lại có những khối nhỏ hơn nữa,... Bạn cũng có thể thay những hình khối thành những nhánh cây, hoặc bất cứ hình ảnh nào mà bạn cảm thấy dễ nhớ nhất. Điểm hay của kỹ thuật ghi chép này là nó rất kích thích thị giác và não bộ, giúp dễ dàng ghi nhớ và ôn tập khi cần.
Lời kết
Đối với những môn học khó, kiến thức nhiều đòi hỏi bạn phải tích cực ghi chép, 3 phương pháp phía trên chính là chìa khóa để giúp việc ghi bài trở nên dễ dàng mà lại tiện ôn tập hơn. Chúc các bạn có thể áp dụng chúng một cách hiệu quả vào việc học tập hàng ngày nhé! Thân ái!
0 Nhận xét