Header Ads

Ngành Khoa học đất là gì? Ra trường làm gì?

Từ trước đến nay, đất luôn là nguồn tài nguyên thiên nhiên rất cần thiết cho con người cũng như mọi sinh vật trên hành tinh xanh của chúng ta. Tài nguyên đất mặc dù rất dồi dào nhưng không phải là được sử dụng tùy tiện. Chính vì thế, những nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đã nghiên cứu và cho ra đời ngành Khoa học đất để phục vụ cho nhu cầu sinh sống và duy trì sự sống của con người.

1. Ngành Khoa học đất là gì?

Ngành Khoa học đất là ngành khoa học nghiên cứu về đất, xem đối tượng nghiên cứu này có vai trò như là một nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết trên bề mặt Trái Đất.

Hoạt động nghiên cứu khoa học đất bao gồm nghiên cứu sự hình thành, phân loại và xây dựng nên những bản đồ về đất. Nghiên cứu các thuộc tính vật lý, hóa học, sinh học, và độ màu mỡ của đất. Cũng như nghiên cứu các thuộc tính này trong mố tương quan với việc sử dụng và quản lý tài nguyên đất nói chung.

Ngành Khoa học đất

Hiểu một cách đơn giản hơn, ngành Khoa học đất là ngành khám phá và tìm hiểu sâu rộng về tài nguyên đất (có thể kèm theo tài nguyên nước nước) của Trái Đất.

Chuyên viên làm việc trong ngành Khoa học đất sẽ có khả năng nhận diện, quản lý, giải thích và sử dụng đất một cách hợp lý, có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, hệ thống sinh thái, đô thị hóa, phục hồi hóa các vùng khai thác quặng mỏ,…

2. Những nét đặc trưng của ngành Khoa học đất

Ngành Khoa học đất có những nét đặc trưng sau đây:
  • Là một ngành tổng hợp bao gồm sinh học, sinh thái và nhiều lĩnh vực khoa học khác liên quan đến Trái Đất và những nguồn tài nguyên thiên nhiên.
  • Có mối liên hệ chặt chẽ với địa chất học cũng như địa lý học.
  • Là chuyên ngành tập trung nghiên cứu, tìm hiểu, quản lý việc sử dụng và cải thiện đất cũng như nguồn tài nguyên nước.
  • Ngành Khoa học đất sẽ vận dụng những nguyên lý hóa học, vật lý học, toán học, vi sinh học, cũng như những thiết bị, công cụ kỹ thuật hiện đại để khám phá, phân tích, giải thích các số liệu về kết quả của tài nguyên đất. Từ đó lập nên mô hình các quy trình hình thành đất và những yếu tố liên quan như con người, động vật, thực vật, nước, không khí,…
  • Là ngành kết hợp những quan tâm đối với xã hội loài người, gắn liền với hoạt động sản xuất lương thực và vệ sinh môi trường.

3. Công việc của một chuyên gia Khoa học đất

Những công việc chính của một nhà Khoa học đất bao gồm:
  • Quy hoạch vấn đề sử dụng đất
  • Bảo vệ môi trường, vệ sinh môi trường đất.
  • Thiết lập bản đồ sử dụng và bảo vệ những hình thái đất ngập nước.
  • Bảo vệ nguồn tài nguyên đất và nước.
  • Xây dựng nên những hệ thống thông tin Địa lý (GIS – áp dụng các số liệu địa lý trên hệ thống máy vi tính).
  • Khảo sát đất (bao gồm các công việc mô tả, phân loại và lập bản đồ về tài nguyên đất).
  • Thành lập trang trại
  • Xây dựng các công trình sinh thái
  • Xây dựng một nền nông nghiệp vững bền.
  • Quản lý sử dụng nguồn tài nguyên nước.
  • Quản lý sử dụng các loại hóa chất trong nông nghiệp
  • Nghiên cứu kỹ thuật và sử dụng các loại phân bón.
  • Đánh giá những địa điểm thích hợp để xây dựng nhà vệ sinh, khu chứa nước thải, nước chảy tràn, và những vai trò có liên quan đến đất và nước khác.
  • Quản lý sử dụng các chất thải trong nông nghiệp, công nghiệp và hệ thống cống tiêu,…

4. Cơ hội nghề nghiệp của Cử nhân ngành Khoa học đất

Nhà khoa học đất ứng dụng khoa học và kỹ thuật vào những hoạt động liên quan đến tài nguyên đất và tài nguyên nước, tham gia vào công tác quản lý sử dụng đất và nước cho nhiều mục đích khác nhau, từ đô thị cho đến nông thôn và môi trường.

Những nhà Khoa học đất đóng vai trò rất quan trọng trong những quyết định về việc sử dụng tài nguyên đất một cách khoa học, hợp lý trong các dự án nhà nước hoặc tư nhân.

Nhà Khoa học đất

Nhà khoa học đất sẽ làm việc trong các công ty nhà nước hoặc tư nhân chuyên về tư vấn sử dụng nguồn tài nguyên đất và môi trường nước, các cơ quan nông nghiệp trực thuộc Nhà nước, các tổ chức nông nghiệp có phạm vi quốc tế,…

Những sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học đất có thể đảm nhận các công việc như:
  • Chuyên viên tư vấn về môi trường đất và nước.
  • Sản xuất nông nghiệp.
  • Sản xuất lâm nghiệp
  • Chuyên viên đánh giá về tình hình đất đai nói chung.
  • Chuyên viên về công tác xử lý các chất thải độc hại và không độc hại.
  • Chuyên viên ứng dụng phân bón và hóa chất nông dược.
  • Nhà sinh thái học.
  • Chuyên viên hoặc cán bộ quản lý ở những phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về đất đai.
  • Chuyên viên nghiên cứu về đất đai ở đồng ruộng.
  • Giảng viên giảng dạy về các môn học thuộc ngành Khoa học đất,…
  • Những Cử nhân tốt nghiệp ngành Khoa học đất có thể làm việc ở các cơ quan nhà nước hoặc các công ty tư nhân. Cơ hội nghề nghiệp của họ luôn rộng mở trong cơ quan các cấp, trong nhiều ngành kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động tư vấn và tại các cơ sở giáo dục trên cả nước.

5. Những cơ sở có đào tạo ngành Khoa học đất ở nước ta

Ở Việt Nam hiện nay, những trường có đào tạo ngành Khoa học đất bao gồm:
  • Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
  • Trường Đại học Khoa học Tự nhiên( Đại học Quốc gia TP.HCM).
  • Trường Đại học Nông nghiệp 1
  • Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM
  • Trường Đại học An Giang
  • Trường Đại học Cần Thơ

6. Tố chất để thành công trong ngành Khoa học đất


Về kiến thức

Chương trình đào tạo sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức căn bản và chuyên sâu ở Việt Nam, mở rộng hơn về Khoa học đất và môi trường đất. Mục tiêu là để phục vụ và công tác trong một số lĩnh vực có liên quan như: Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất nhằm phát triển nông lâm nghiệp và môi trường dựa vào quan điểm sinh thái và bền vững trong phát triển kinh tế.

Ngoài ra còn liên quan đến lĩnh vực quản lý đất nhiệt đới, quy hoạch môi trường đất và đánh giá những tác động chủ yếu đến nguồn tài nguyên và môi trường đất do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây nên.

Về kỹ năng

Chương trình đào tạo sẽ trang bị cho sinh viên những kỹ năng về taho tác phân tích, phát hiện, đánh giá và dự báo những nội dung, những khía cạnh đã, đang và sẽ xảy ra.

Trên cơ sở đó, các bạn có thể nắm bắt được các quá trình hình thành đất đai, các loại đất trên thực địa và những phương pháp đánh giá, tổng hợp các số liệu cho công việc phân tích.

Sinh viên thực tập ngành Khoa học đất

Các bạn cũng sẽ được rèn luyện kỹ năng lý giải mối quan hệ biện chứng giữa các quá trình liên quan tương hỗ giữa đất - nước - phân bón và cây trồng thông qua những kiến thức căn bản, cơ sở và chuyên ngành được đào tạo.

Về năng lực

Cử nhân tốt nghiệp ngành Khoa học đất sẽ có đủ năng lực để làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các trường cao đẳng, đại học, các viện, các Bộ, ngành, các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Hoặc trực tiếp chỉ đạo công tác sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển nông thôn và quản lý nguồn tài nguyên đất, tài nguyên nước. Các cử nhân Khoa học đất cũng có thể tự mình lập các dự án về quản lý và sử dụng tài nguyên đất, đề xuất các biện pháp tích cực nhằm cải tạo và đánh giá tác động của các hoạt động sản xuất đến môi trường đất, đến các hệ sinh thái trong nông nghiệp, đặc biệt ở những vùng nhiệt đới và sau đó se tham gia vào công tác lập quy hoạch môi trường đất.

Về thái độ

Đào tạo Cử nhân chuyên ngành Khoa học đất sẽ là những con người có phẩm chất chính trị, đạo đức chuẩn mực, có sức khoẻ tốt, nắm vững những kiến thức từ cơ bản đến hiện đại về tài nguyên thiên nhiên, góp phần phục vụ cho sự phát triển vững bền của đất nước.

Trên đây là những thông tin hướng nghiệp về ngành Khoa học đất, một ngành cũng rất thú vị và hấp dẫn mà bài viết muốn gửi gắm đến các bạn học sinh. Nếu cảm thấy yêu thích và nhận ra bản thân thích hợp với ngành này, các bạn hãy ứng tuyển vào ngôi trường mà mình yêu thích, để thực sự trở thành những Cử nhân Khoa học đất tài năng nhé!

Đăng Nhận Xét

0 Nhận xét