Ngành Lâm sinh là một trong những cái tên khá xa lạ mà nhiều bạn học sinh cũng như phụ huynh chưa biết đến. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, do nhu cầu xã hội đối với ngành Lâm sinh ngày càng tăng nên ngành này ngày càng được chú trọng đào tạo. Vậy ngành Lâm sinh là ngành học như thế nào? Sau khi ra trường có dễ xin việc làm hay không? Và nơi công tác là những nơi nào? Mời các bạn cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.
1. Ngành Lâm sinh là gì?
Ngành Lâm sinh hay Lâm học có tên quốc tế là Silviculture. Đây là một ngành chuyên đào tạo nên những cán bộ Lâm sinh có trình độ vững vàng trong hoạt động nghiên cứu, quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý hệ sinh thái rừng, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng. Đào tạo nên những cá nhân có kiến thức sâu rộng và thực tế về tài nguyên rừng nói chung.
Chương trình đào tạo ngành Lâm sinh sẽ giúp cho sinh viên tích lũy hệ thống kiến thức về rừng như: trồng rừng, sinh thái rừng, công tác điều tra, quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng.
Bên cạnh đó, chương trình còn đào tạo những kiến thức và kỹ năng thiết kế, thực hành các công trình xây dựng và phát triển tài nguyên rừng. Các em sẽ có khả năng đánh giá, điều tra về tài nguyên thiên nhiên, môi trường nói chung và tài nguyên rừng nói riêng.
Bên cạnh đó là hoạt động quy hoạch lâm nghiệp và quản lý sử dụng đất rừng hay còn gọi là đất lâm nghiệp. Các em cũng sẽ được rèn luyện khả năng nghiên cứu và triển khai những tiến bộ khoa học và kỹ thuật chuyên về lĩnh vực lâm nghiệp.
Ngoài ra, các bạn sinh viên cũng được tích lũy nhiều kiến thức bổ ích về việc sử dụng, khai thác các nguồn tài nguyên rừng và khai thác gỗ, tận dụng tiềm năng từ chúng, đảm bảo được sự vững bền về môi trường và sự phát triển kinh tế mà hệ sinh thái rừng mang lại.
2. Mục tiêu đào tạo của ngành Lâm sinh
Mục tiêu quan trọng của ngành Lâm sinh đó là đào tạo nên những người Kỹ sư Lâm sinh có phẩm chất đạo đức tốt, tư tưởng vững vàng.
Đào tạo nên những nhân tài có kiến thức và năng lực vững vàng trong lĩnh vực lâm nghiệp, có khả năng làm việc nhóm và làm việc một cách độc lập tại các cơ sở sản xuất.
Đào tạo nên những Cử nhân có kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành Lâm sinh và công tác tốt tại các cơ quan có liên quan đến hoạt động phát triển lâm nghiệp. Ngoài ra còn có sức khỏe tốt, đáp ứng yêu cầu gìn giữ và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng một cách vững bền.
3. Triển vọng của ngành Lâm sinh
Trong nhiều năm qua, ngành Lâm sinh vẫn luôn giữ vai trò quan trọng, đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng của nước nhà.
Nhờ có Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được ban bố chính thức từ năm 2004, ngành Lâm sinh đã có bước chuyển biến rõ rệt từ nền lâm nghiệp quốc doanh chủ đạo sang nền lâm nghiệp vì nhân dân, hệ thống hóa các thành phần kinh tế xã hội.
Đồng thời, ngành cũng chuyển từ xu hướng lâm nghiệp chủ đạo dựa vào khai thác, lợi dụng nguồn tài nguyên rừng sang bảo vệ, phục hồi rừng và trồng rừng, gắn với sự phát triển nền kinh tế lâm nghiệp và phát huy vai trò quan trọng của môi trường sinh thái, quốc phòng và an sinh của toàn xã hội.
Giá trị sản xuất của ngành lâm sinh tăng nhanh có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng (tăng gần 1,3% mỗi năm trong 5 năm trở lại đây). Từ năm 2013 đến nay, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trung bình gần 7,3% một năm, vượt mục tiêu mà nhà nước đề ra là 4 đến 4,5% hàng năm.
Diện tích rừng luôn tăng trưởng đều và nằm ở mức ổn định, từ 12,3 triệu hecta với độ che phủ rừng khoảng 36,9% năm 2004 tăng đến con số 14,1 triệu hecta với độ che phủ rừng đạt 41% năm 2015. Và đến năm 2017 thì độ che phủ rừng đã đạt đến con số 41,5%, năm 2018 ước đạt xấp xỉ 42%.
Ngành Lâm sinh là ngành tiên phong trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đề án đơn giản hóa các thủ tục hành chính và công bố chi tiết danh mục thủ tục hành chính đã được chuẩn hóa.
Theo đó, Ngành đã có sự hợp tác với gần 30 đầu mối và tổ chức lâm nghiệp trên thế giới. Trong đó có 2 Công ước cùng với nhiều Hiệp định, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên diễn đàn quốc tế.
Đặc biệt, vào tháng 10 năm 2018, tại Brussel, Việt Nam và Liên Minh Châu u (EU) đã ký “Hiệp định đối tác tự nguyện thực thi Luật Lâm nghiệp”, đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Hiệp định sẽ giúp nước ta mở rộng thị trường xuất khẩu.
4. Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Lâm sinh
Chuyên ngành Lâm sinh là một trong những ngành tạo nên cơ hội và điều kiện việc làm đầy triển vọng, trên rất nhiều lĩnh vực đối với sự phát triển Lâm nghiệp ở Việt Nam nói riêng hay khu vực Đông Nam Á nói chung. Sau khi ra trường, sinh viên ngành Lâm sinh có cơ hội làm việc tại:
Các cơ quan nhà nước chuyên ngành Lâm sinh từ Trung ương đến địa phương
- Tổng cục Lâm nghiệp
- Chi cục Lâm nghiệp
- Chi cục Kiểm lâm
- Hạt kiểm lâm
- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phòng Tài nguyên và Môi trường
- Ủy ban nhân dân tỉnh/huyện,…
Với vị trí công tác là cán bộ lãnh đạo đơn vị, chuyên viên hoặc cố vấn kỹ thuật chuyên về khai thác và bảo vệ rừng.
Các cơ quan sản xuất hoặc cơ quan quản lý lâm nghiệp
- Công ty Lâm nghiệp
- Ban quản lý rừng phòng hộ
- Ban quản lý rừng chuyên dụng (như vườn quốc gia, các Khu bảo tồn thiên nhiên)
- Công ty sản xuất các giống cây rừng,...
Các đơn vị tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật lâm sinh
- Trung tâm quy hoạch, thiết kế lâm nghiệp cấp tỉnh thành
- Trung tâm khuyến nông quốc gia
- Trung tâm khuyến lâm cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố và những trung tâm tại địa phương.
- Viện hoặc phân Viện điều tra quy hoạch lâm nghiệp.
Các cơ quan chuyên về hoạt động đào tạo và nghiên cứu
- Các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên cả nước
- Viện Khoa học Lâm nghiệp hoặc Nông nghiệp
- Viện Điều tra quy hoạch rừng
- Viện tài nguyên sinh vật,...
- Công chức cấp xã phường, thị trấn
- Cán bộ lãnh đạo đơn vị, cán phụ trách lâm nghiệp xã/phường;
- Các chương trình, dự án trong nước và thế giới về: Trồng rừng và phục hồi rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, phát triển rừng và phát triển nông thôn.
5. Các khối tuyển sinh vào ngành Lâm sinh
Mã ngành Lâm sinh: 7620205. Ngành Lâm sinh sẽ tuyển sinh theo các tổ hợp môn học sau:
- Khối A00: Toán, Vật lý, Hóa học
- Khối A01: Toán, Vật lý, Anh Văn
- Khối A02: Toán, Vật lý, Sinh học
- Khối A16: Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn
- Khối B00: Toán, Hóa học, Sinh học
- Khối B04: Toán, Sinh học, Giáo dục công dân
- Khối C02: Ngữ văn, Toán, Hóa học
- Khối C15: Ngữ văn, Toán, Khoa học xã hội
- Khối D01: Ngữ văn, Toán, Anh Văn
- Khối D08: Toán, Sinh học, Anh Văn
Mức điểm chuẩn của ngành Lâm sinh năm 2019 của các trường đại học trong cả nước dao động trong khoảng từ 13 đến 18 điểm tùy vào phương thức xét tuyển cụ thể của từng trường.
6. Những trường đào tạo ngành Lâm sinh ở nước ta hiện nay
Hiện nay ở Việt Nam, những trường có đào tạo ngành Lâm sinh là:
Khu vực miền Bắc
- Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên
- Đại học Nông lâm Bắc Giang
- Đại học Lâm nghiệp
- Đại học Tây Bắc
Khu vực miền Trung
- Đại học Tây Nguyên
Khu vực miền Nam
- Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai
- Đại học Cần Thơ
7. Những phẩm chất phù hợp với ngành Lâm sinh
Để học tập và thành công với ngành Lâm sinh, các bạn học sinh cần hội tụ những tố chất sau đây:
- Yêu thiên nhiên, đặc biệt là nguồn tài nguyên rừng
- Yêu hệ sinh thái động thực vật.
- Có khả năng công tác theo xu hướng tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực.
- Yêu thích làm việc theo nhóm.
- Năng động, chịu khó tìm tòi, yêu thích việc khám phá thiên nhiên.
- Có sức khỏe tốt, siêng năng, kiên trì và cẩn thận.
Ngành Lâm sinh thoạt đầu nghe có vẻ không hấp dẫn nhưng khi tìm hiểu sâu và rộng về ngành này, các bạn sẽ cảm nhận được cái hay, cái thú vị của nó. Vì vậy, hãy quyết tâm theo đuổi nếu đam mê và có năng lực. Nhất định các bạn sẽ thành công!
0 Nhận xét