Từ ngày xưa cho đến hôm nay, sinh con đẻ cái luôn là việc rất thiêng liêng của mọi gia đình trong xã hội loài người. Nhờ sự phát triển của cuộc sống, nhu cầu về sức khỏe, bảo vệ các em bé và sản phụ trong thời khi thai sản tăng cao. Đây cũng chính là nguồn lực chủ yếu để ngành Hộ sinh ra đời và phát triển. Bài viết sau đây sẽ trình bày rõ hơn về ngành nghề này để các bạn tham khảo.
1. Ngành Hộ sinh là làm gì?
Ngành Hộ sinh còn có tên gọi khác là điều dưỡng hộ sinh hay hộ sinh viên. Đây là ngành liên quan mật thiết đến vấn đề sinh nở, được đào tạo rất kỹ lưỡng để cho ra những con người chuyên đảm nhận công việc chăm sóc sức khỏe của sản phụ và trẻ mới sinh. Mục tiêu cốt lõi là nhằm đảm bảo sự ổn định về mặt tâm lý, sinh lý, sự an toàn sức khỏe cho bà mẹ và em bé.
Mục tiêu chủ đạo của ngành Hộ sinh đó là cung cấp các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách an toàn và hiệu quả cho sản phụ và trẻ em. Hộ sinh sẽ là người theo dõi sát sao quá trình chuyển dạ của sản phụ, báo cáo tình trạng sức khỏe của sản phụ đến bác sĩ chuyên khoa.
Đồng thời, họ cũng là đội ngũ nhân viên chuẩn bị những dụng cụ y tế cần thiết cho một trường hợp đỡ đẻ. Người điều dưỡng hộ sinh sẽ đáp ứng những nhu cầu chăm sóc sức khỏe của sản phụ nói riêng, phụ nữ trong độ tuổi sinh nở nói chung và trẻ em một cách an toàn nhất về mặt thể chất, tâm, sinh lý và mặt xã hội.
Sinh viên theo học ngành Hộ sinh sẽ có cơ hội tích lũy những kiến thức quan trọng, cần thiết cho nghề nghiệp chuyên môn trong tương lai sau này. Kiến thức từ căn bản đến kiến thức chuyên ngành kết hợp với thực hành thực tế trong các trường hợp sinh đẻ, trong quá trình chăm sóc mẹ và bé ngay sau khi sinh, nhằm giúp cho các bạn hiểu rõ hơn về công việc chuyên môn của mình.
2. Vai trò của ngành Hộ sinh
Hộ sinh là một trong những bộ phận không thể thiếu được trong hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe nói chung ở nước ta. Trong đó, quan trọng nhất là những cơ sở y tế có khoa phụ sản, đỡ đẻ. Vai trò của những điều dưỡng hộ sinh bao gồm:
- Khám và nhận định tình hình sức khỏe sản phụ, trẻ sơ sinh, người sử dụng các loại hình dịch vụ sinh sản, xác định những nội dung ưu tiên, cần được chăm sóc của từng người bệnh, khách hàng có nhu cầu.
- Chủ trì, tổ chức, lập kế hoạch thực hiện chăm sóc bà mẹ, trẻ em, người bệnh và những người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh chuyên về sản khoa.
- Lập kế hoạch theo dõi, tổ chức thực hiện và kiểm tra công tác theo dõi, đánh giá diễn biến mỗi ngày của sản phụ, trẻ sơ sinh. Đồng thời phát hiện, xử trí kịp thời những tai biến, tác dụng phụ có thể xảy ra do thuốc, do thủ thuật y khoa.
- Tiên lượng, báo cáo các trường hợp xử trí và những diễn biến bất thường không thuộc chức năng xử trí của hộ sinh viên cho bác sĩ điều trị. Phối hợp chặt chẽ cùng đội ngũ bác sĩ trong công tác chỉ đạo các hộ sinh cấp thấp hơn để xử trí kịp thời những diễn biến bất thường nếu có.
- Lập kế hoạch, tổ chức, giám sát, kiểm tra công tác thực hiện chăm sóc giảm nhẹ và hỗ trợ trấn an tâm lý cho các bà mẹ và gia đình của họ trong những trường hợp sinh nở, sau sinh và sơ sinh có diễn biến nghiêm trọng, bất thường.
- Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra kỹ thuật chăm sóc và phục hồi những chức năng cơ bản cho sản phụ. Thực hiện đúng những kỹ thuật chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh cần thiết và chuyên sâu, kế hoạch hóa gia đình, phá thai hợp lý, an toàn.
- Nhận định, đánh giá về nhu cầu dinh dưỡng, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm tra công tác thực hiện chăm sóc dinh dưỡng cho sản phụ, trẻ sơ sinh.
- Hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc ghi chép hồ sơ bệnh án theo quy định của cơ sở y tế có chuyên khoa phụ sản.
- Lập kế hoạch và đề xuất những danh mục thuốc, các trang thiết bị y tế phù hợp với tình hình thực tế công việc. Đồng thời tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra công tác bảo quản thuốc và hệ thống trang thiết bị y tế.
3. Vì sao các bạn nên theo đuổi ngành Hộ sinh?
Nếu thực sự đam mê và có năng lực với ngành Hộ sinh, các bạn học sinh nên theo đuổi hết mình với nghề nghiệp, vì những lý do quan trọng sau đây:
Có cơ hội việc làm cao
Hiện nay, nhu cầu sinh nở của xã hội đang ngày một tăng cao dẫn đến các nhu cầu về y tế cũng phát triển không ngừng, đặc biệt là nhu cầu cần có sự góp mặt của các điều dưỡng hộ sinh tại các cơ sở sinh sản. Vì vậy, những người theo học ngành Hộ sinh khi tốt nghiệp sẽ có cơ hội việc làm rất cao.
Có cơ hội tích lũy kinh nghiệm
Những người làm công tác điều dưỡng, chăm sóc hộ sinh trải qua nhiều trường hợp, nhiều tình huống hỗ trợ thì sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Những kiến thức công việc của mỗi người sẽ được gia tăng, đồng thời còn có thể hữu ích cho chính mình và người thân của mình nữa.
Có nghề nghiệp ổn định
Đối với ngành Điều dưỡng hộ sinh, điều quan trọng là mỗi người cần có năng khiếu về chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm, làm việc có trách nhiệm, tận tâm với công việc. Chỉ cần những yếu tố chủ đạo ấy thôi là bạn đã có thể tìm đến một công việc ổn định, gắn bó và lâu dài.
Thu nhập tương xứng với công sức mình đã bỏ ra
Tuy ngành Hộ sinh thường xuyên phải tiếp xúc áp lực công việc khá lớn, có nhiều vất vả và thử thách, nhưng đáp lại là mức lương khá hấp dẫn, tương xứng với công sức các bạn đã bỏ ra và ổn định lâu dài.
Hiện nay, tại các bệnh viện có quy mô lớn hay nhỏ có chuyên khoa phụ sản thì nhu cầu cần đến những người điều dưỡng hộ sinh cũng rất cần thiết. Nhiều người còn theo ngành này bởi sự yêu nghề, bởi tinh thần trách nhiệm cho con người, cho toàn xã hội.
4. Các khối tuyển sinh vào ngành Hộ sinh
Mã ngành Hộ sinh: 7720302. Ngành Hộ sinh sẽ xét tuyển các tổ hợp môn học sau đây:
- Khối A00: Toán, Vật Lý, Hóa Học
- Khối B00: Toán, Hóa Học, Sinh Học (phổ biến nhất).
- Khối D07: Toán, Hóa Học, Tiếng Anh.
- Khối D08: Toán, Tiếng Anh, Sinh Học.
Điểm chuẩn tuyển sinh vào ngành Hộ sinh cũng không quá cao, dao động từ 14 đến 19 điểm tùy vào từng ngôi trường cụ thể.
5. Những trường có đào tạo ngành Hộ sinh ở nước ta hiện nay
Danh sách những trường có đào tạo ngành Hộ sinh ở nước ta hiện nay bao gồm:
Khu vực miền Bắc:
- Đại Học Y Dược Hà Nội
- Học Viện Quân Y
- Học Viện Y Dược Học Cổ Truyền Việt Nam
- Đại Học Y Tế Công Cộng
- Đại Học Y Thái Bình
- Đại học Y Thái Nguyên
- Đại Học Y Hải Phòng
Khu vực miền Trung
- Đại Học Y Dược – Đại Học Huế
Khu vực miền Nam
- Đại Học Y Dược TPHCM
- Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
- Cao đẳng Y Dược Sài Gòn
- Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
- Cao đẳng Y Dược Hồ Chí Minh
- Cao đẳng Y Dược Nha Trang
6. Cơ hội việc làm đối với ngành Hộ sinh
Sau khi tốt nghiệp ngành Hộ sinh, những điều dưỡng hộ sinh có thể công tác tại những nơi sau đây:
- Công tác tại những cơ sở y tế trực thuộc Bộ y tế;
- Công tác tại các bệnh viện từ cấp Trung ương đến địa phương
- Công tác tại trạm y tế địa phương
- Các trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng
- Phòng khám chuyên khoa sản phụ khoa tại các bệnh viện, trạm y tế, trung tâm y tế.
7. Mức lương của ngành Hộ sinh
Làm việc trong ngành Hộ sinh, các bạn sẽ có nguồn thu nhập rất đáng ngưỡng mộ nếu bạn biết nắm bắt cơ hội và thực sự có năng lực. Trong tình hình nhân viên công tác trong ngành Hộ sinh còn khá khan hiếm như hiện nay thì những người hoạt động trong ngành này có rất nhiều cơ hội việc làm.
Thông thường, đối với những bạn tốt nghiệp ngành Hộ sinh khi làm việc sẽ nhận được mức lương nằm trong khoảng từ 6 đến 7 triệu đồng mỗi tháng làm việc. Đối với những người có trình độ và chuyên môn cao hơn thì mức lương có thể lên đến hơn 10 triệu đồng mỗi tháng.
8. Những tố chất phù hợp với ngành Hộ sinh
Là người trực tiếp hướng dẫn, chăm sóc sức khỏe của sản phụ trước và sau khi sinh – thời điểm mà các bà mẹ rất mệt mỏi, đau đớn nhất, thì người làm Hộ sinh nhất định cần phải có đủ những tố chất, kỹ năng sau đây:
- Kỹ năng lên kế hoạch: Khi có kỹ năng lên kế hoạch chu đáo, bạn sẽ biết cách ước tính và sắp xếp được khoảng thời gian mà sản phụ có thể chuyển dạ, và hỗ trợ cuộc sinh sản diễn ra an toàn nhất.
- Nắm vững những kiến thức về chuyên môn: Đây là điều kiện cần thiết nhất của người Hộ sinh nói riêng và của các bác sĩ chuyên khoa sản nói chung, vì điều này liên quan tới tính mạng của cả mẹ và bé.
- Tính nhanh nhẹn và chính xác trong những tình huống cụ thể: Trong một kíp đỡ đẻ, mọi công tác, thủ lập cần được thực hiện nhanh chóng, chính xác nhằm tránh những diễn biến tồi tệ nhất có thể xảy ra.
- Kỹ năng tư vấn sức khỏe nhằm giúp cho sản phụ có sức khỏe tốt nhất trong thai kỳ và trong quá trình chuyển dạ, sau sinh.
- Kỹ năng giao tiếp tốt nhằm động viên và chia sẻ những cơn đau đẻ trong giai đoạn gian khổ nhất của một sản phụ.
- Cẩn thận, tỉ mỉ và có tinh thần trách nhiệm cao với công việc
- Có lòng nhân hậu, biết cảm thông, chia sẻ với những cảm xúc, tâm tư của người sản phụ.
Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu tường tận hơn về ngành Hộ sinh. Mong rằng những bạn thực sự có niềm đam mê với ngành này sẽ trở thành những điều dưỡng hộ sinh tài năng, luôn thành công trong công việc.
0 Nhận xét