Một trong những ngành rất cần thiết của lĩnh vực y tế đó chính là Điều dưỡng. Nếu như những người bác sĩ giữ vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh thì những nhân viên điều dưỡng là lực lượng không thể thiếu được trong công tác chăm sóc, theo dõi bệnh nhân. Vậy học ngành Điều dưỡng có thú vị hay không? Triển vọng nghề nghiệp hiện nay như thế nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn qua bài viết sau đây nhé!
1. Những nét tổng quan về ngành Điều dưỡng
Điều dưỡng là một nghề nghiệp thuộc hệ thống các ngành y tế nói chung, giữ vai trò theo dõi và chăm sóc sức khỏe của người bệnh từ khi nhập viện cho đến khi phục hồi. Điều dưỡng có nhiệm vụ đảm bảo giảm thiểu đến mức tối đa những nguy cơ của bệnh nhân trong quá trình điều trị, chăm sóc sức khỏe của người bệnh trong thời gian nằm viện.
Công việc chính của những nhân viên làm trong ngành Điều dưỡng đó là chăm sóc, theo dõi tình trạng bệnh nhân trong suốt thời gian điều trị. Tùy vào từng chuyên khoa mà những điều dưỡng viên có nhiệm vụ chuyên môn khác nhau như điều dưỡng chăm sóc tích cực, điều dưỡng hộ sinh, điều dưỡng khoa săn sóc đặc biệt, điều dưỡng hồi sức sau mổ,...
Bên cạnh đó, Điều dưỡng viên còn là những người có nhiệm vụ tư vấn cho người bệnh, đồng thời thông báo về hướng xử trí cũng như phương pháp điều trị mà cơ sở y tế đó đang thực hiện. Chính nhờ sự giao lưu trực tiếp với người bệnh, thường xuyên theo dõi người bệnh nên điều dưỡng viên có thể nắm rõ nguyên vọng, tâm tư của họ và báo cáo những diễn biến của người bệnh cho bác sĩ một cách chính xác và chi tiết nhất.
2. Vai trò của ngành Điều dưỡng trong cuộc sống hiện nay
Trong xã hội con người hiện nay, ngành Điều dưỡng là một trong những ngành nghề cao quý và không thể thiếu được. Dù có một vài đặc điểm giống với y tá nhưng ngành điều dưỡng vẫn là một ngành nghề tương đối độc lập.
Nếu như y tá là những người thường xuyên làm việc dưới những chỉ định, y lệnh của các bác sĩ thì điều dưỡng không đơn thuần như vậy. Họ phải sở hữu cho mình một khả năng phán đoán, tự tiên lượng được những tình huống và xử lý cấp cứu ngay khi không có mặt các bác sĩ ở đó.
Ngành Điều dưỡng có vai trò là lực lượng chính trong công tác chăm sóc bệnh nhân, quản lý và xây dựng các phương pháp trong công tác chăm sóc, điều dưỡng. Đây là một trong những ngành nghề có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của một đất nước, của xã hội và của cả cộng đồng.
3. Ngành Điều dưỡng ở nước ta hiện nay như thế nào?
Trong những năm tháng đầu, ngành Điều dưỡng chưa được đánh giá là một ngành mà chỉ là một nhóm người hỗ trợ. Những điều dưỡng viên chỉ là một bộ phận ở tại các cơ sở y tế, các bệnh viện của Việt Nam từ những năm đầu của đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, họ không được xem là một phần độc lập, chưa có phòng ban riêng mà chỉ là một nhóm nhân viên y tế hỗ trợ các bác sĩ.
Mãi đến năm 1999, theo ý kiến biểu quyết của Hội Điều dưỡng Việt Nam cùng các Vụ trong Bộ y tế, Bộ trưởng Bộ y tế chấp thuận việc lập riêng một chức vụ, một ngành nghề mang tên “Điều dưỡng”. Từ khi ấy, ngành Điều dưỡng ở nước ta mới bắt đầu có những bước phát triển đầu tiên.
Cùng với sự tiến bộ của nền y học thế giới, ngày nay, ngành Điều dưỡng ở nước ta cũng được phát triển thành nhiều lĩnh vực chuyên môn theo từng chuyên khoa trong hệ thống y tế. Sự phát triển này đã đáp ứng nhu cầu điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân theo từng lĩnh vực chuyên sâu.
Song hành cùng các chuyên ngành khác có liên quan đến hệ thống y tế thì nhiều trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam cũng đã xây dựng những chương trình đào tạo chuyên môn để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho từng chuyên khoa đó.
Hiện nay, chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng đa khoa là phổ biến nhất. Sau khi sinh viên tốt nghiệp Cử nhân điều dưỡng, các bạn có thể tham gia vào những khóa học đào tạo chuyên sâu cho từng lĩnh vực cụ thể để trở thành các điều dưỡng viên chuyên ngành, chẳng hạn như Điều dưỡng chuyên khoa Răng hàm mặt, Điều dưỡng Hồi sức tích cực, Điều dưỡng hộ sinh,...
4. Những công việc chính của một điều dưỡng viên
Người chăm sóc
Mục tiêu chính của một điều dưỡng viên là sự giao tiếp, hỗ trợ bệnh nhân bằng hành động, bằng cử chỉ, lời nói biểu hiện sự quan tâm đến sức khỏe của người bệnh.
Tất cả thiết bị máy móc y khoa và kỹ thuật hiện đại đến mấy cũng không thể thay thế được sự chăm sóc của những điều dưỡng viên. Bởi vì các thiết bị này sẽ không cảm nhận được những cảm xúc và điều khiển hành động sao cho cho phù hợp, đáp ứng những nhu cầu đa dạng của mỗi bệnh nhân.
Người truyền đạt thông tin
Nhân viên điều dưỡng sẽ giao tiếp với đồng nghiệp và các thành viên khác trong nhóm nhân viên y tế về kế hoạch và những việc cần thực hiện trong công tác chăm sóc cho mỗi bệnh nhân.
Mỗi khi thực hiện một thủ thuật về y khoa, điều dưỡng viên sẽ phải ghi chép vào hồ sơ những bước đã thực hiện, cũng như những đáp ứng của bệnh nhân. Nhân viên điều dưỡng sẽ giao tiếp cả bằng lời nói và bằng chữ viết rất thường xuyên mỗi khi bàn giao ca trực, bàn giao người bệnh, mỗi khi chuyển người bệnh đến một khoa khác hoặc khi người bệnh ra viện hay chuyển viện.
Người tư vấn
Tư vấn có nghĩa là sự giúp đỡ bệnh nhân nhận biết và đối mặt với những vấn đề về tâm lý, bệnh lý, sinh lý. Điều dưỡng sẽ động viên người bệnh, giúp họ có được niềm tin vượt qua bệnh tật cũng như sự tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Tư vấn có thể thực hiện thông qua một người hoặc một nhóm người và đòi hỏi người điều dưỡng phải có kỹ năng nhất định để phân tích, tổng hợp thông tin, đánh giá sự tiếp thu của người bệnh sau khi họ đã được tư vấn.
Ngày nay, sự quan tâm nhiều đến việc nâng cao và duy trì sức khỏe quan trọng hơn hẳn sự chữa bệnh đơn thuần. Vì vậy, người bệnh cần có thêm kiến thức để họ có thể tự theo dõi và tự chăm sóc chính mình nhằm rút ngắn thời gian nằm viện.
Người biện hộ cho bệnh nhân
Người biện hộ có nghĩa là khuyến khích những hành vi phù hợp nhất, đúng đắn nhất cho người bệnh, đảm bảo cho những nhu cầu của bệnh nhân được đáp ứng đầy đủ. Ngoài ra, điều dưỡng viên còn có vai trò như là một người lãnh đạo, người quản lý, người làm việc nghiên cứu công tác điều dưỡng và là những người rất giỏi trong hoạt động chăm sóc lâm sàng.
5. Những trường có đào tạo ngành Điều dưỡng ở nước ta hiện nay
Đối với bậc Đại học
- Đại Học Y Hà Nội
- Đại học Điều Dưỡng Nam Định
- Học Viện Quân Y - Hệ Quân sự
- Đại Học Y Tế Công Cộng
- Đại Học Y Dược TPHCM
- Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
- Đại Học Quốc Tế Hồng Bàng
- Đại Học Y Dược – Đại Học Huế
- Đại Học Y Thái Bình
- Đại Học Y Hải Phòng
- Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng
- Đại Học Y Dược Cần Thơ
- Đại Học Kỹ Thuật Y Tế Hải Dương
- Đại Học Y Dược – Đại Học Thái Nguyên
- Đại Học Y Khoa Vinh
Đối với bậc Cao đẳng
- Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn
- Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
- Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông
- Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội
- Trường Cao đẳng Y tế Cộng đồng Cà Mau
- Trường Cao Đẳng Y tế Bạch Mai
6. Những tố chất cần có để trở thành Điều dưỡng viên
Để học tập và theo đuổi thành công ngành Điều dưỡng, bạn cần hội tụ những tố chất sau đây:
- Có lòng nhân hậu, yêu thương con người, có sự cảm thông và biết chia sẻ
- Khả năng giao tiếp tốt, phong cách cởi mở, biết cách tạo niềm tin cho người khác.
- Có khả năng tổ chức công việc, tự tìm tòi, tự nghiên cứu và cập nhật những kiến thức y khoa.
- Luôn kiên trì, chịu khó, cẩn trọng, tỉ mỉ, nhẫn nại.
- Có sức khỏe tốt, đặc biệt có tâm lý vững vàng, tự tin xử lý những tình huống cấp cứu
- Học tốt các môn Hóa học, Sinh học.
Qua những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về ngành Điều dưỡng. Nếu thực sự yêu thích ngành nghề này thì các bạn hãy tự tin ứng tuyển vào ngôi trường mà mình cảm thấy phù hợp. Mến chúc các bạn sẽ học tập thành công và sẽ trở thành những điều dưỡng viên có năng lực, luôn nhiệt huyết với nghề.
0 Nhận xét