Header Ads

Học ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông ra làm gì?

Xã hội phát triển không ngừng, hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại đã góp phần quan trọng rất lớn đối với sự phát triển toàn diện của nền kinh tế. Chính vì vậy, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông ngày càng được quan tâm và thu hút được sự chú ý của rất nhiều bạn trẻ có niềm yêu thích đặc biệt đối với lĩnh vực xây dựng và giao thông. Vậy ngành học này như thế nào? Có giúp chúng ta làm giàu hay không? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây.

1. Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông là gì?

Hiểu một cách khái quát và cơ bản nhất thì ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông là ngành học chuyên về công tác thiết kế, thi công, quản lý cũng như khai thác các công trình giao thông. Mục tiêu là nhằm phục vụ cho cuộc sống con người như: cầu cống, đường bộ, hệ thống đường cao tốc, đường hầm, đường sắt, cảng biển, sân bay,... cũng như các công trình khác thuộc lĩnh vực xây dựng nói chung.

Theo học ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, các bạn sẽ được trang bị kiến thức căn bản và chuyên sâu thuộc về lĩnh vực xây dựng công trình giao thông. Chẳng hạn như: thủy lực, trắc địa, kết cấu bê tông cốt thép của cầu đường.

Tình hình giao thông hiện nay rất phức tạp

Bên cạnh đó còn là những kiến thức về thiết kế đường dành cho xe hơi, kiểm định công trình, quy hoạch tuyến và thiết kế những công trình tổng thể, tổ chức các công trường xây dựng và công tác chỉ đạo thi công, phân tích xu hướng của nền kinh tế và quản lý về mặt chất lượng, khai thác và sửa chữa hệ thống công trình giao thông,...

Bên cạnh đó, sinh viên có được rèn luyện kỹ năng kiểm tra nguyên vật liệu, chất lượng của các công trình, kỹ năng hạch toán kinh tế, kiểm tra độ an toàn lao động trong quá trình xây dựng. Đồng thời, các bạn sẽ được rèn luyện kỹ năng thiết kế nhiều loại công trình để giải quyết các thực trạng về giao thông như: vấn nạn kẹt xe, hệ thống giao thông thông minh, tổ chức lưu thông giao thông trong các khu đô thị lớn trong cả nước.

2. Học ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông ra trường sẽ làm gì?

Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, những Kỹ sư thuộc lĩnh vực xây dựng công trình giao thông có thể công tác tại các công ty xây dựng hệ thống cầu đường, làm việc tại các công ty quản lý và sửa chữa các công trình giao thông.

Ngoài ra, các bạn cũng có thể làm việc tại các công ty thuộc chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, các công trình thủy lợi và khai thác khoáng sản,… Đồng thời có thể đảm nhận một trong những công việc sau:
  • Xây dựng hiện đại hóa, hoàn toàn mới hay sửa chữa đi đôi với nâng cấp các công trình cầu đường, giải quyết các vấn đề về tình trạng giao thông thường gặp hiện nay như: kẹt xe, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống giao thông trong những khu vực đông dân cư, những khu đô thị lớn,…
  • Tư vấn, phản biện các vấn đề liên quan đến kỹ thuật xây dựng.
  • Khảo sát, thiết kế các công trình giao thông nói chung.
  • Tổ chức và quản lý công tác thi công tại những công trình xây dựng, công trình giao thông.

3. Cơ hội việc làm ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông

Theo đánh giá khách quan của Diễn đàn Kinh tế thế giới vào năm 2009, nước Việt Nam đứng vị trí thứ 111 trong tổng số 134 quốc gia trên thế giới về chất lượng của kết cấu hạ tầng giao thông. Vị trí này đứng sau phần lớn các quốc gia trong khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế thế giới, làm suy giảm vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Mặt khác, theo Quy hoạch Phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 10 năm từ 2011 - 2020 của Chính phủ nước ta, nhân lực khối ngành Xây dựng sẽ tăng lên từ 2,9 triệu người kể năm 2010 lên từ 8 đến 9 triệu người vào thời điểm năm 2020. Trong đó, nhu cầu của lĩnh vực Xây dựng công trình giao thông tăng được dự đoán sẽ tăng rất lớn do nhu cầu cải thiện gần như tuyệt đối về cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.

Cơ hội việc làm của ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông rất khả quan

Ngoài vị trí là những cán bộ kỹ thuật trong các cơ quan trực thuộc nhà nước về quy hoạch hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Kỹ sư Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông còn đảm nhận vai trò là một kỹ sư tư vấn trong các công ty tư nhân, doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước.

Hơn nữa, những bạn tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông còn có thể đảm nhận vai trò như một kỹ sư thi công, giám sát quá trình thi công, quản lý các dự án xây dựng những công trình giao thông, là những cán bộ nghiên cứu, giảng viên giảng dạy tại các viện, các trường đại học, cao đẳng dạy về lĩnh vực kỹ thuật công trình giao thông.

4. Những trường có đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông

Hiện nay ở nước ta, những trường có đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông đó là:

Khu vực miền Bắc:

  • Đại học Giao thông Vận tải
  • Đại học Kiến trúc Hà Nội
  • Đại học Xây dựng
  • Đại học Thủy lợi
  • Đại học Quốc tế Bắc Hà
  • Đại học Phương Đông
  • Đại học Hàng hải

Khu vực miền Trung:

  • Đại học Vinh
  • Đại học Kiến trúc Đà Nẵng
  • Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng
  • Đại học Xây dựng Miền Trung

Khu vực miền Nam:

  • Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương
  • Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM
  • Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM
  • Phân hiệu Đại học Giao thông Vận tải tại TP.HCM
  • Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
  • Đại học Thủy lợi - Cơ sở 2
  • Đại học Tôn Đức Thắng
  • Đại học Công nghệ TP.HCM
  • Đại học Quốc tế Hồng Bàng
  • Đại học Trà Vinh
  • Đại học Cần Thơ
  • Đại học Xây dựng Miền Tây
  • Đại học Dân lập Cửu Long

Các bạn có thể tham khảo điểm chuẩn của các trường đại học có đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông trong những năm gần đây. Trong năm 2018, mức điểm chuẩn của ngành này dao động từ 14 đến 22 điểm, tùy theo phương thức xét tuyển của từng trường.

Mã ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông: 7580205. Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông sẽ được xét tuyển thông qua các tổ hợp môn học sau:
  • A00: Toán, Vật Lý, Hóa Học
  • A01: Toán, Vật Lý, Tiếng Anh
  • D01: Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh
  • D07: Toán, Hóa Học, Tiếng Anh
  • D29: Toán, Vật Lý, Tiếng Pháp

5. Mức lương trong ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông

Đối với sinh viên mới tốt nghiệp và chưa có nhiều kinh nghiệm, làm việc tại các công ty liên quan đến ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông thì các bạn sẽ nhận được mức lương trung bình từ 6 đến 8 triệu đồng mỗi tháng.

Kỹ sư kỹ thuật xây dựng công trình giao thông

Ngoài ta, tùy thuộc vào bản chất công việc, vị trí, năng lực và kinh nghiệm công tác trong ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông mà mức lương của các bạn có thể cao hơn từ 10 đến 15 triệu mỗi tháng hoặc cao hơn nữa.

6. Những tố chất để học ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông

Để theo đuổi và học tập cũng như làm việc thành công với ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, bạn cần hội tụ những tố chất sau:
  • Có lối sống thực tế, có năng khiếu về các môn Khoa học tự nhiên.
  • Thích sự tìm tòi, ham học hỏi.
  • Có tính sáng tạo trong công việc.
  • Có tư duy logic và sự yêu thích về kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và giao thông nói chung.
  • Có tinh thần hợp tác, có khả năng làm việc theo nhóm.
  • Có khả năng chịu được những áp lực nhất định của công việc.
  • Có sức khỏe tốt để công tác và gắn bó lâu dài với ngành.

Trên đây là những thông tin hướng nghiệp về ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông mà bài viết muốn giới thiệu đến các bạn. Chúc cho các bạn học sinh, những ai yêu thích lĩnh vực kỹ thuật, xây dựng và giao thông sẽ trở thành những Kỹ sư xây dựng công trình giao thông tài năng và có mức thu nhập xứng đáng.


Đăng Nhận Xét

0 Nhận xét