Header Ads

Hóa Dược là gì? Học ngành Hóa Dược có khó không?

Theo định nghĩa của IUPAC, “Hóa dược” là một ngành khoa học kế thừa trên nền tảng của ngành hóa học. Từ đó, ngành này nghiên cứu các vấn đề của một số ngành khoa học liên quan như dược học, sinh học và y học. Hiện nay, ngành hóa dược đã được giảng dạy rất phổ biến tại rất nhiều trường ở nước ta. Vậy ngành này có thú vị hay không? Yêu cầu những kỹ năng gì? Cơ hội làm việc ra sao? Mời các bạn cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!

1. Khái quát về ngành Hóa dược

Hóa dược bao gồm hoạt động khám phá, nghiên cứu, phát minh, thiết kế, xác định cũng như tổng hợp các sản phẩm, hóa chất có tác dụng hay hoạt tính sinh học. Ngành Hóa dược còn nghiên cứu sự chuyển hóa, giải thích những cơ chế tác dụng của các hóa chất ở mức độ phân tử.

Đồng thời xây dựng các mối quan hệ mật thiết giữa cấu trúc và tác dụng sinh học hoặc là tác dụng dược lý. Đi đôi với đó là mối quan hệ mang tính định lượng giữa cấu trúc và tác dụng sinh học hoặc tác dụng dược lý (gọi tắt là QSAR).

Hóa dược là một ngành khoa học thể hiện rất tối ưu sự kết hợp hoàn hảo giữa hóa hữu cơ và sinh hóa, đi kèm với hóa tin học, sinh học phân tử, toán thống kê, dược lý và hóa lý.

Một định nghĩa khác của ngành Hóa dược đó là một ngành khoa học giao thoa giữa hóa học và dược học. Ngành này chuyên nghiên cứu các hoạt động thiết kế và đề ra kế hoạch để các sản phẩm dược phẩm phát triển.

Ngành Hóa dược

Hóa dược bao gồm hoạt động xác định, tổng hợp và phát minh các hóa chất mới thích hợp cho mục tiêu trị liệu. Hóa dược cũng bao hàm cả công tác nghiên cứu các dược phẩm thuốc đã có sẵn, các chất mới có hoạt tính sinh học cùng các mối quan hệ mang tính chất định lượng giữa cấu trúc và tác dụng sinh học.

2. Triển vọng phát triển của ngành Hóa dược ở nước ta

Hiện nay, theo xu hướng chung của thế giới hiện đại, việc sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên đã và đang rất được mọi người trên thế giới quan tâm, đặc biệt là ở Việt Nam.

Nguyên nhân chính là vì đây là nguồn thuốc “xanh”, có sẵn và ít tác dụng phụ. Cùng với tình hình đó, khu vực trung du và miền núi phía Bắc có rất nhiều loại cây thuốc quý hiếm, là nơi hội tụ đủ các điều kiện cần thiết để phát triển các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược phẩm.

Chính điều kiện thuận lợi này đã đặt ra cơ hội rất lớn cho những cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành Hóa dược, họ có thể trở thành những doanh nhân thành công và có mức thu nhập cao trong lĩnh vực này.

3. Hóa dược học tập những gì?

Chương trình đào tạo ngành Hóa dược sẽ trang bị cho học viên những kiến thức từ nền tảng đến chuyên môn và kỹ năng thực hành thực tiễn để có thể làm việc, góp sức trong các ngành công nghiệp chuyên về dược phẩm, bào chế thuốc, sản xuất các loại thực phẩm chức năng…

Sinh viên theo học ngành Hóa dược sẽ hiểu sâu rộng những kiến thức cần thiết nhất về dược lý học và cơ chế tác dụng của thuốc trong cơ thể, hiểu được quá trình nhận biết, sàng lọc, tổng hợp các loại dược phẩm.

Sinh viên thực tập ngành Hóa dược

Hơn nữa, sinh viên còn nắm được các phương pháp tách chiết đi kèm với cô lập nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học, hiểu được những kiến thức quan trọng về dược lý học và những tác động quan trọng của thuốc trong cơ thể.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo ngành Hóa dược cũng cung cấp cho sinh viên những kiến thức cần thiết quá trình sàng lọc, thiết kế, khảo sát, chế tạo và ứng dụng các tiền chất để làm thuốc, những kiến thức cơ bản thuộc lĩnh vực Hóa vô cơ, Hóa hữu cơ, Hóa lý, Hóa Phân tích, Sinh học và Hóa sinh.

4. Điểm chuẩn của ngành Hóa dược

Mỗi trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành Hóa dược sẽ có tiêu chuẩn và mức điểm chuẩn vào trường và vào ngành không giống nhau. Tùy theo đề án tuyển sinh của của từng ngôi trường cụ thể mà mức điểm ngành Hóa dược cũng có những sự thay đổi nhất định, sao cho phù hợp nhất và đạt đủ chỉ tiêu, số lượng sinh viên cần tuyển sinh vào trường. Ngành Hóa dược có điểm chuẩn hàng năm dao động từ 14 điểm đến 20,5 điểm.

5. Những ngôi trường có đào tạo ngành Hóa dược ở nước ta

Ngành Hóa dược được nhiều thí sinh chú ý đến trong những năm gần đây. Do đó, hiện nay có khá nhiều trường đào tạo ngành học này, đáp ứng nhu cầu học tập và tuyển dụng nhân sự của đông đảo những nhà tuyển dụng. Dưới đây là danh sách các trường có đào tạo ngành Hóa dược ở nước ta hiện nay:

Khu vực miền Bắc
  • Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên
  • Đại học Bách Khoa Hà Nội

Khu vực miền Trung
  • Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng

Khu vực miền Nam
  • Đại học Cần Thơ
  • Đại học Bách Khoa TP. HCM


6. Cơ hội việc làm của ngành Hóa dược

Bởi vì ngành Hóa dược tuy là ngành học khá mới mẻ, nhưng lại được nhiều thí sinh lựa chọn và theo đuổi, nhu cầu tuyển dụng của các nhà tuyển dụng rất cao dẫn đến tình trạng nhân lực ngành Hóa dược khá khan hiếm. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân chuyên ngành Hóa dược có thể công tác và hoạt động tại một trong các vị trí như:
  • Cán bộ giảng dạy những môn học chuyên ngành Hóa dược tại các trường đại học và cao đẳng
  • Cán bộ nghiên cứu tại các viện, các trung tâm, các tổ chức, công ty, các nhà máy xí nghiệp sản xuất dược phẩm.
  • Chuyên viên tư vấn, đề ra kế hoạch, soạn thảo các chính sách ngành Hóa dược.
  • Công tác tại các Viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo thuộc ngành công nghệ hóa học cũng như hóa dược, mỹ phẩm.
  • Làm công tác quản lý chuyên về lĩnh vực trong các công ty sản xuất và kinh doanh các loại dược phẩm, thuốc.
  • Kỹ sư Hóa dược còn có thể phát huy năng lực của mình trong các ngành như công nghệ nano, y sinh, công nghệ sinh học, thực phẩm và các loại phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm, dinh dưỡng và các loại sản phẩm cá nhân.
  • Các doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất các thiết bị y tế, dược phẩm.
  • Cán bộ làm công tác phân tích kiểm nghiệm dược phẩm và mỹ phẩm.
  • Làm công tác quản lý, kiểm tra chất lượng các nguyên vật liệu, sản phẩm tại các trung tâm, cơ sở sản xuất, kiểm tra, kiểm định chất lượng dược liệu, kiểm nghiệm chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm, các công ty tư vấn về dược phẩm.


Kỹ sư Hóa dược

7. Mức lương của ngành Hóa dược

Thông thường, mức lương của những nhân viên làm trong ngành Hóa dược (đối với sinh viên mới ra trường) dao động từ 5 đến 7 triệu đồng mỗi tháng. Đối với những vị trí cao hơn như chuyên viên, cán bộ giảng dạy, giảng viên, đảm nhận công tác quản lý, bạn sẽ nhận được mức lương nhỉnh hơn đó là từ 7 đến 10 triệu đồng mỗi tháng.

Tuy nhiên, nếu bạn làm với vai trò là doanh nhân Hóa dược, bạn có thể có nguồn thu nhập cao hơn những mức thu nhập trên rất nhiều. Điều này phụ thuộc vào mức độ thông thạo sản phẩm dược phẩm của bạn và nhu cầu sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng.

8. Những tố chất phù hợp để theo học ngành Hóa dược

Ngành Hóa dược là ngành học không đơn giản, cần nhiều sức lực cho hoạt động tư duy, sáng tạo. Vì vậy nên sinh viên theo học ngành Hóa dược cần hội tụ các điều kiện và tố chất cần thiết sau đây:
  • Có tính cẩn thận, tỉ mỉ.
  • Có sự kiên trì, nhẫn nại và có trí thông minh
  • Tư duy khoa học, logic, hợp lý.
  • Có khả năng học cũng như tự học, tự nghiên cứu.
  • Có khiếu quan sát, có óc sáng tạo;
  • Nhiệt huyết, đam mê với nghề Hóa dược
  • Tiếp thu ý kiến tốt, ham học hỏi, chịu khó sửa chữa những khuyết điểm và thay đổi.
  • Có trình độ ngoại ngữ và thành thạo tin học.

Hy vọng những thông tin mà bài viết đã cung cấp sẽ giúp các bạn học sinh hiểu rõ hơn về ngành Hóa dược. Mến chúc các bạn sẽ học tập thành công và có được việc làm ổn định khi theo đuổi chuyên ngành Hóa dược.

Đăng Nhận Xét

0 Nhận xét