Header Ads

Ngành Điện - Điện tử học những gì? Cơ hội việc làm ra sao?

Ngành Điện - Điện tử là một trong những ngành được rất nhiều bạn trẻ yêu thích vào những năm gần đây. Có thể đánh giá khách quan rằng đời sống càng hiện đại thì không thể thiếu sự có mặt của các thiết bị điện và điện tử nói chung. Cũng chính vì vậy, ngành Điện - Điện tử luôn là một ngành học chủ chốt trong lĩnh vực kỹ thuật. Vậy ngành này có những triển vọng như thế nào và cơ hội việc làm ra sao? Mời các bạn cùng tham khảo qua bài viết sau đây.

1. Đôi nét tổng quan về ngành Điện - Điện tử

Điện có vai trò rất cần thiết và quan trọng đối với mọi hoạt động của cuộc sống hiện đại ngày nay. Nói một cách đơn giản hơn, không có điện thì không thể thực hiện các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, buôn bán một cách thuận tiện và dễ dàng được.

Chính vì lẽ đó, ngành Điện nói chung quá phong phú đến mức người ta đã phân ra nhiều chuyên ngành chi tiết như ngành Điện công nghiệp và dân dụng, ngành Điện lạnh, ngành Điện - Điện tử, ngành Kỹ thuật điện,... Ngành nào cũng đóng góp một vai trò rất quan trọng và ý nghĩa cho sự hoạt động hài hòa của toàn hệ thống điện.

Ngành Điện - Điện tử

Hiện nay, hầu hết các nhà máy đều hướng đến hoạt động điều khiển các máy móc thông qua những tín hiệu điện, đồng thời luôn nỗ lực việc tự động hóa điều khiển các thiết bị máy móc. Việc xây dựng nên các hệ thống điều khiển tín hiệu điện tự động hóa, cũng như điều khiển năng lượng điện đến các thiết bị máy móc là nhiệm vụ của ngành Điện - Điện tử.

Đặc điểm chung nhất của ngành Điện - Điện tử là xây dựng hệ thống điều khiển tự động thông qua tín hiệu điện, đồng thời kết hợp việc kiểm soát các thông số điện đến các thiết bị máy móc một cách hoàn toàn tự động.

Liên quan đến thao tác điều khiển đến tín hiệu điện thì luôn cần có sự hiện diện của các mạch điện tử. Mạch điện tử là bộ phận chính của một hệ thống được điều khiển bằng tín hiệu điện.

Chính vì vậy, khi đã làm trong ngành Điện - Điện tử thì chúng ta phải am hiểu rất rõ về các loại linh kiện điện tử, các vi mạch điện tử, hoặc tối thiểu là hiểu về tính năng điều khiển tín hiệu điện của các mạch điện tử đã được lập trình sẵn.

2. Những điều thú vị khi theo học ngành Điện - Điện tử

Có thể khẳng định rằng tất cả các thiết bị hệ thống từ giản đơn cho đến phức tạp trong mọi lĩnh vực, mọi nghề nghiệp đều có sự hiện diện nhất định của ngành Điện - Điện tử.

Khi theo học ngành này, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản và chuyên môn về điện, điện tử cùng những giải pháp tiết kiệm năng lượng điện. Từ đó, sinh viên sẽ có thể thiết kế, xây dựng, vận hành, sử dụng cũng như bảo trì các thiết bị Điện, Điện tử, công cụ điện, hệ thống truyền điện, hệ thống truyền tải, phân phối và cung cấp điện.

Sinh viên cũng sẽ có kỹ năng vận hành, bảo trì hệ thống chiếu sáng, hệ thống điện gió, điện năng lượng mặt trời. Hơn nữa, các em có thể tiếp cận với rất nhiều thành tựu công nghệ, kỹ thuật hiện đại nhất trên thế giới thuộc lĩnh vực điện, điện tử.

Ngoài ra, sinh viên theo học ngành Điện - Điện tử còn được trang bị những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực điện, điện tử như: kỹ năng phân tích, đánh giá, đưa ra những biện pháp khắc phục các sự cố điện, điện tử, điện ô tô.

Sinh viên tích lũy được nhiều kiến thức và kỹ năng chuyên ngành Điện – Điện tử

Các em sẽ có kỹ năng sử dụng các phần mềm ứng dụng một cách thành thạo thuộc chuyên ngành để mô phỏng, dự đoán, tính toán các vấn đề phát sinh thực tế tại các công trình điện công nghiệp và dân dụng.

Đồng thời, các em cũng có thể vận hành, lắp đặt, thi công các công trình điện, điện tử, điện tự động hóa tại các khu vực nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp và dân dụng, có khả năng chuyển giao công nghệ, quản lý, sửa chữa, bảo trì hệ thống điện, điện tử hoặc điện ô tô nói chung.

3. Tốt nghiệp ngành Điện - Điện tử sẽ làm những công việc gì?

Trong số các ngành học thuộc lĩnh vực kỹ thuật thì ngành Điện - Điện tử được đánh giá là ngành có nhu cầu tuyển dụng rất cao. Nguyên nhân là vì các hệ thống điện, điện tử luôn hiện hữu trong mọi thiết bị, dây chuyền sản xuất ở tất cả các lĩnh vực của đời sống, của nền kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải…

Tốt nghiệp ngành Điện - Điện tử sẽ làm những công việc gì?

Bên cạnh đó, các hệ thống điện, điện tử góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả lao động, giảm bớt sức lao động tay chân và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu xã hội.

Cơ hội việc làm của những người kỹ sư điện, điện tử luôn rộng mở với nhiều vị trí công việc đa dạng như: Nhân viên kỹ thuật phòng cơ điện, phòng điều khiển, phòng điều khiển tự động các dây chuyền sản xuất trong các nhà máy (Dây chuyền sản xuất xi măng, sữa, sản xuất giấy, sản xuất hóa chất, chế biến thực phẩm, sản xuất phân bón,…).

Những bạn tốt nghiệp ngành Điện - Điện tử còn có cơ hội trở thành những cán bộ quản lý, vận hành, bảo trì các hệ thống điện tử với quy mô công nghiệp, rôbốt công nghiệp trong các dây chuyền tự động hóa sản xuất như: Lắp ráp ô tô, rôbốt hàn tự động, sản xuất rôbốt lắp ráp các linh kiện điện tử…

Ngoài ra, kỹ sư ngành Điện - Điện tử còn có thể đảm nhận vai trò là những cán bộ kinh doanh, tư vấn kỹ thuật điện, điện tử cho những nhà cung cấp dịch vụ và phát triển những sản phẩm điện, điện tử trong và ngoài nước, hoặc là những cán bộ chuyên nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho các viện nghiên cứu chuyên ngành điện, điện tử.

4. Nhu cầu xã hội đối với ngành Điện - Điện tử

Hiện nay, nhu cầu nhân lực của ngành Điện - Điện tử tăng rất cao do sự gia tăng nhu cầu của con người về năng lượng điện, sự phát triển của các hệ thống truyền thông cùng với những hình ảnh và sự tự động hóa trong ngành công nghiệp.

Tại nước Úc, kỹ sư điện, điện tử là một trong những nghề có mức tăng trưởng cao nhất trong vài năm trở lại đây với tỷ lệ tăng trưởng trung bình lên đến gần 7,5% so với mức chung 7 % cho tất cả các ngành. Trong khi tại Hoa Kỳ, nghề kỹ sư điện, điện tử chiếm trên 65% (trong tổng số 1,6 triệu) lực lượng lao động kỹ thuật của đất nước phát triển này.

Tại Ấn Độ, nhu cầu nhân lực của Kỹ sư điện, điện tử rất cao. Trong những năm gần đây, tại khắp mọi miền trên đất nước Ấn Độ, nhu cầu sử dụng điện tăng rất lớn. Chính điều này đã mang đến nhiều cơ hội việc làm cho các kỹ sư điện. Mức lương của một kỹ sư điện ở Ấn Độ trung bình khoảng 453.000 Rupi trong 1 năm.

5. Những trường có tuyển sinh đào tạo ngành Điện - Điện tử uy tín ở nước ta

Tại khu vực miền Bắc
  • Đại học Bách khoa Hà Nội
  • Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Đại học Điện Lực
  • Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
  • Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định
  • Học viện Kỹ thuật Quân sự
  • Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông - Đại học Thái Nguyên

Khu vực miền Trung
  • Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng
  • Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh
  • Đại học Công nghiệp Vinh
  • Đại học Nha Trang

Khu vực miền Nam
  • Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh
  • Đại Học Khoa Học Tự Nhiên - Đại Học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh
  • Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
  • Đại học Công nghệ Sài Gòn
  • Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ
  • Đại học Sài Gòn
  • Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ

6. Những tố chất cần có khi theo học ngành Điện - Điện tử

Theo đánh giá của các chuyên gia thì bất cứ ngành học nào cũng cần thiết rằng học viên phải có mục tiêu và sự yêu thích đối với ngành. Riêng ngành Điện - Điện tử thì tố chất này quan trọng hơn hẳn. Bởi vì ngành học này có rất nhiều điều hấp dẫn, thú vị, tuy nhiên cũng có thể làm cho sinh viên dễ bị phân tâm khỏi mục tiêu học tập chính. Thậm chí, nhiều trường hợp các em có thể cảm thấy chán nản và mệt mỏi trước áp lực của việc học tập và thực hành.

Bên cạnh đó, kiến thức của ngành Điện - Điện tử rất đa dạng và thay đổi không ngừng. Điều này đòi hỏi các bạn sinh viên phải thường xuyên nghiên cứu, đọc sách, tìm kiếm các thông tin, những công nghệ mới đã và đang được ứng dụng trên thế giới.

Học ngành Điện - Điện tử cần phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới

Các bạn sẽ phải siêng năng học tập thông qua việc nghiên cứu và tiếp cận thực tiễn với những công nghệ điện, điện tử hiện đại. Để thực hiện được điều này thì khả năng đọc và am hiểu về ngoại ngữ là yếu tố rất cần thiết trong ngành.

Ngoài ra, ngành Điện - Điện tử là ngành kỹ thuật cao, khối lượng công việc cùng sự phức tạp rất lớn của nó đòi hỏi sự hợp tác của rất nhiều người. Vì vậy, các bạn sinh viên phải rèn luyện khả năng làm việc nhóm, đảm nhận tốt công việc của mình, đồng thời góp phần hoàn thành công việc chung.

Lời kết

Hy vọng qua những thông tin mà bài viết đã cung cấp, bạn đọc sẽ hiểu tường tận hơn về ngành Điện - Điện tử. Từ đó, nếu cảm thấy thực sự đam mê và muốn “cháy hết mình” với ngành nghề này thì các bạn học sinh hãy mạnh dạn đăng ký dự tuyển vào những ngôi trường mà mình yêu thích nhé!


Đăng Nhận Xét

0 Nhận xét