Ngành Tâm lý học là một ngành còn khá mới mẻ, khá xa lạ đối với người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, trường phái Tâm lý học đã phát triển từ rất lâu đời ở các nước phương Tây. Theo thời gian, Tâm lý học du nhập ngày càng nhiều vào Việt Nam. Chính vì thế, ngày càng có nhiều người biết đến lĩnh vực này và cảm thấy yêu thích, muốn theo đuổi để thỏa niềm mơ ước của mình. Vậy trước khi theo học ngành này, các bạn cần chuẩn bị những gì?
1. Ngành Tâm lý học là gì? Học những gì?
Trước khi đi tìm đáp án cho câu hỏi “Ngành Tâm lý học là gì?”, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về tâm lý. Tâm lý là tất cả các hiện tượng của đời sống tinh thần, thế giới tồn tại bên trong của mỗi cá nhân. Tâm lý gắn liền và điều hành tất cả những hành vi, hoạt động của con người.
Chính vì vậy, Tâm lý học là một ngành khoa học nghiên cứu hành vi, tâm lý và tư tưởng của con người. Cụ thể hơn đó chính là cảm xúc, ý chí và hành vi của mỗi người. Ngoài ra, Tâm lý học cũng đề cập rất nhiều đến những ảnh hưởng của hoạt động thể chất, trạng thái tâm lý, cùng các yếu tố khách quan lên hành vi và lý trí của con người.
Tâm lý học là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, chuyên nghiên cứu về hành vi và tâm lý của con người, cũng như những khía cạnh của ý thức, vô thức và tư duy của mỗi cá thể loài người. Nó không đơn thuần là giải thích những gì con người làm, cách chúng ta thực hiện mà còn lý giải cho những quá trình suy nghĩ và biện luận phía sau những hành vi đó.
Cụm từ “Tâm lý học” được hiểu cơ bản nhất là sự nghiên cứu về tâm hồn, có nguồn gốc từ “psychologia” trong ngữ nghĩa Latinh. Những người theo đuổi lĩnh vực Tâm lý học, bên cạnh niềm mong muốn được hiểu sâu sắc hơn về con người, thì họ còn có nguyện vọng giúp đỡ, hỗ trợ nhằm mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Những người chuyên nghiên cứu hoặc có chuyên môn trong lĩnh vực này được gọi là những nhà tâm lý học. Nhiệm vụ của nhà tâm lý học đó là nghiên cứu các hiện tượng tâm lý về khía cạnh bản chất, mối quan hệ giữa các hiện tượng tâm lý ấy cũng như vai trò, chức năng của tâm lý đối với tất cả những hoạt động hàng ngày của con người.
Khi theo học ngành Tâm lý học, sinh viên sẽ được đào tạo từ những kiến thức căn bản đến nâng cao về chuyên ngành tâm lý như: tâm lý học giao tiếp, tâm lý học lao động, tâm lý học gia đình, tâm lý học giáo dục, liệu pháp nhận thức về hành vi, tâm lý liệu pháp để chữa các bệnh lý về tâm thần, các chuyên đề về tệ nạn xã hội, chuyên đề về ứng biến trước những tình huống trong cuộc sống,…
2. Ngành Tâm lý học rất đa dạng trong sự lựa chọn khóa học
Việc theo đuổi niềm đam mê học ngành Tâm lý học sẽ mở ra cho chúng ta nhiều lựa chọn nghiên cứu cả về mặt đại cương lẫn các nội dung chuyên sâu, tùy thuộc vào chức năng và lĩnh vực nghề nghiệp mà học sinh muốn theo đuổi.
Chẳng hạn, ngoài các khóa Tâm lý học đại cương, Tâm lý học lâm sàng, Tâm lý học nhận thức có xu hướng tổng quát, chúng ta có thể lựa chọn những khóa học có trình độ chuyên môn cụ thể. Chẳng hạn như Tâm lý học giáo dục chuyên nghiên cứu về những phương pháp học đa dạng, tìm kiếm phương pháp học tối ưu nhất cho những học viên, đặc biệt là những trẻ có năng khiếu, người người khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ,...
Nếu có mong muốn làm trong lĩnh vực Nhân sự, học sinh có thể tìm đến các khóa Tâm lý học trong lĩnh vực Lao động và Tổ chức, Tâm lý học trong Kinh doanh, Tâm lý học trong Y học, Tâm lý học hình sự,...
Còn nếu như các bạn có nguyện vọng làm việc với mục đích phục vụ cho xã hội thì những chuyên ngành như Tâm lý học hành vi, Tâm lý học nhận thức, Tâm lý học tội phạm,... cũng là những sự lựa chọn lý tưởng, sẽ giúp các bạn có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc học và công việc sau này.
Một vấn đề mà các bạn cần lưu ý là khi chọn chương trình học thuộc ngành Tâm lý học, điều quan trọng không đơn thuần là chọn lựa những môn học phù hợp với bản thân mà còn là sự tích lũy những kinh nghiệm thực tế được lồng ghép với chương trình đào tạo. Các trường thường xuyên tạo dựng mối quan hệ dài lâu với các bệnh viện, phòng khám… Điều này sẽ giúp các bạn có kinh nghiệm trong việc thực hành, tích lũy nhiều kinh nghiệm có ích cho tương lai.
3. Những tố chất cần có để theo đuổi thành công ngành Tâm lý học
Kỹ năng tư duy
Sinh viên học ngành Tâm lý học sẽ được rèn luyện kỹ năng tư duy thông qua việc tiếp cận nhiều khía cạnh, nhiều quan điểm đa dạng về nguyên nhân và bản chất của những hành vi con người, từ những tế bào thần kinh nhỏ lẻ cho đến các mối quan hệ xã hội vô cùng rộng lớn và phức tạp.
Ngoài ra, các bạn cũng được rèn luyện cách lập luận, diễn giải cũng như phản biện để đưa ra những kết luận dựa trên các tiêu chí logic nhất. Nhờ khả năng phân tích, đánh giá và biện luận được học tập, trau dồi trong quá trình đào tạo, sinh viên ngành Tâm lý học có thể xử lý nhiều tình huống phức tạp trong công việc một cách nhanh chóng nhất.
Kỹ năng giao tiếp
Ngành tâm lý học đòi hỏi sinh viên phải rèn luyện kỹ năng giao tiếp thường xuyên. Đây chính là nền tảng để các bạn tiếp tục thực hiện sứ mệnh của ngành, mà tiên phong là kỹ năng đọc và viết.
Nếu việc đọc tạo điều kiện cho sinh viên sở hữu nguồn vốn từ ngữ phong phú kết hợp với khả năng đọc hiểu những nội dung đa nghĩa thì kỹ năng viết sẽ giúp các em rèn luyện cách diễn đạt bằng ngôn từ sao cho chuẩn xác và có tính thuyết phục cao nhất.
Trong từng môn học thuộc chuyên ngành Tâm lý học, sinh viên được đòi hỏi phải có kỹ năng viết các bài biện luận và báo cáo nghiên cứu với những yêu cầu khá cao cả về mặt nội dung lẫn hình thức. Những yêu cầu này tạo điều kiện cho các bạn phát huy năng lực, thấu hiểu sâu sắc hơn bản chất của từng vấn đề, đồng thời rèn luyện kỹ năng truyền đạt kiến thức khoa học một cách tối ưu nhất.
Với thời gian thực tập rất nhiều dưới mọi hình thức, sinh viên chuyên ngành Tâm lý học sẽ có cơ hội phát triển kỹ năng giao tiếp trực tiếp hoặc gián tiếp ở nhiều cấp độ khi thực hành trong thực tế đời sống.
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Các tổ chức, công ty, doanh nghiệp là nơi mà người lao động được mon muốn phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh mỗi ngày từ nhỏ đến lớn. Sinh viên ngành Tâm lý học được rèn luyện những kỹ năng về việc xác định vấn đề, đặt giả thuyết, lên kế hoạch nghiên cứu, kế hoạch cho quá trình thu thập và phân tích dữ liệu. Mục tiêu sau cùng là để kiểm tra những giả thuyết, đồng thời đưa ra những kết luận dựa trên khía cạnh lý thuyết và thực tiễn.
Những kỹ năng này không chỉ giúp sinh viên tiếp cận với nền khoa học hiện đại, phát triển không ngừng của thế giới loài người, mà còn giúp các em hình thành kỹ năng xây dựng, vận dụng những ứng dụng của tâm lý học trong nhiều hoàn cảnh công việc cụ thể.
Kỹ năng học tập
Nhà tuyển dụng sẽ chú ý đến những ứng viên, nhân viên có khả năng tìm hiểu sâu rộng về kiến thức chuyên ngành, thay vì chọn một người thiếu chí cầu tiến, không có sự ham học hỏi. Tuy nhiên, đây là kỹ năng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của sự rèn luyện.
Từ kiến thức nền cho đến những kiến thức chuyên sâu về ngành Tâm lý học sẽ tạo điều kiện cho sinh viên hiểu biết sâu xa hơn về những cơ chế vận hành cũng như bản chất sinh học của học tập, tiếp thu thông tin, ghi nhớ, tập trung chú ý và khả năng sáng tạo.
Khả năng vận dụng hệ thống kiến thức đã được học tập sẽ giúp sinh viên tâm lý học trở thành những người có khả năng phát triển nhanh, nhạy bén, là nguồn lực tiềm năng của các công ty, doanh nghiệp và của cả cộng đồng xã hội.
4. Những trường có đào tạo ngành Tâm lý học ở nước ta
Những trường hiện có đào tạo ngành Tâm lý học uy tín ở Việt Nam bao gồm:
- Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn – Đại Học quốc gia TPHCM
- Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn – Đại Học Quốc Gia Hà Nội
- Đại Học Sư Phạm TPHCM
- Đại Học Sư Phạm Hà Nội
- Đại Học Sư Phạm – Đại Học Huế
- Đại Học Văn Hiến
- Đại học Hồng Đức
Trên đây là những thông tin cần thiết về ngành Tâm lý học mà bài viết muốn giới thiệu đến các bạn. Nếu cảm thấy bản thân mình thực sự yêu thích và có năng khiếu với ngành này thì hãy mạnh dạn đăng ký tuyển sinh, để trở thành những sinh viên Tâm lý tài năng nhé! Chúc các bạn sẽ là những chuyên viên Tâm lý thành công nhất!
0 Nhận xét