Ngày nay, ngành Sư phạm đã phát triển ngày càng lớn mạnh và trở thành một hệ thống chặt chẽ. Ở một số nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc,… giáo dục thực sự trở thành một “ngành công nghiệp” lớn, mang lại nhiều lợi ích và tạo ra số lượng lớn việc làm cho xã hội. Ở nước ta, ngành sư phạm đang chuyển mình không ngừng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, nuôi dưỡng hiệu quả hơn sức khỏe trí tuệ cộng đồng. Bài viết sau đây sẽ tư vấn hướng nghiệp ngành Sư phạm, hay ngành nhà giáo cho học sinh.
1. Khái niệm về ngành Sư phạm
Theo ngữ nghĩa Hán Việt, sư có nghĩa là thầy, phạm chính là khuôn thước, mẫu mực. Như vậy, theo cách hiểu đơn giản nhất, sư phạm có nghĩa là một người thầy chuẩn mực, có khuôn phép, là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Làm việc trong ngành Sư phạm đồng nghĩa với việc bạn sẽ tham gia vào sự nghiệp trồng người, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho các ngành nghề, các lĩnh vực trong xã hội con người.
Có thể khẳng định rằng không ai thực sự thành công nếu không có sự dạy dỗ của thầy cô. Thành ngữ của ông cha ta có câu “Không thầy đố mày làm nên”. Dù bạn có tài giỏi nhưng nếu không được thầy cô dạy dỗ, truyền thụ kiến thức thì bạn cũng không thể phát triển hoàn thiện. Nhân cách này được hoàn thiện bên cạnh gia đình bạn thì phần công ơn rất lớn chính là nhờ thầy cô dạy dỗ.
2. Nghề giáo viên là một nghề rất cao quý
Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày xưa từng có một câu nói nổi tiếng rằng “Nghề giáo viên chính là nghề cao quý nhất trong tất cả những nghề cao quý”. Thực sự mà nói thì nghề nào cũng đáng trân quý vì xã hội chúng ta phân công mỗi người mỗi việc. Theo đó, không có nghề cao quý nhất mà chỉ có con người mới làm nên sự cao quý cho những nghề cao quý ấy.
Dù rằng trong xã hội của chúng ta hiện nay có hàng trăm nghề nghiệp khác nhau nhưng mỗi khi đề cập đến nghề giáo, dù ở giai đoạn nào vẫn luôn được xã hội tôn vinh. Nguyên nhân chính là vì đây là một nghề có vai trò rất quan trọng, là nghề đào tạo và giáo dục nên những con người tri thức, có đạo đức và hoàn thiện những kỹ năng nghề nghiệp.
Nếu phỏng vấn các bạn vì sao chọn nghề giáo viên thì có lẽ cũng tồn tại rất nhiều lý do. Vì bố mẹ chọn cho con hướng theo truyền thống của gia đình, vì không có lựa chọn nào tốt hơn, nhưng trên hết, nếu muốn theo đuổi nghề giáo viên đến cùng thì chúng ta phải thật sự đam mê, nhiệt huyết với nghề. Đồng thời phải luôn kiên tận tụy với học sinh, nên tôn trọng nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi.
Thầy cô luôn là người có lối sống chuẩn mực từ những lời nói hàng ngày đến các mối quan hệ xã hội. Dù cho cuộc sống có vất vả, khó khăn vì nghề nghiệp, thầy cô luôn giữ được lối sống giản dị, luôn hết mình vì công việc, luôn tận tâm với nghề.
Hiểu đơn giản nhất thì nghề sư phạm là nghề mà những người theo đuổi nghề này luôn sống chuẩn mực, có nguyên tắc và luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Người Việt Nam chúng ta có truyền thống luôn rất mực tôn trọng những người làm nghề dạy học theo phương châm “Tôn sư trọng đạo”, bởi với những người thầy cô, dạy học không chỉ đơn thuần là trách nhiệm mà còn dạy cho chúng ta đạo lý làm người.
3. Ý nghĩa của nghề nhà giáo
Chúng ta luôn có cơ hội trau dồi, học hỏi khi làm nghề giáo viên
Nghề giáo viên được xem là một nghề thiêng liêng và cao quý. Do đó, để trở thành một người làm nghề giáo chân chính, bạn phải lao động một cách thật nghiêm túc, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn của mình, đồng thời phải luôn tu dưỡng đạo đức.
Bên cạnh đó, những người thầy cô cần phải có bản lĩnh, tính kiên nhẫn và không được cho phép mình được bất mãn, thất vọng trước học sinh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Chúng ta nên rèn luyện cho mình làm sao để trở thành một người thực sự thương yêu học trò, dìu dắt các em đạt được những thành tích tốt trong học tập.
Làm chủ công việc
Nghề nhà giáo đòi hỏi rất cao về phẩm chất đạo đức, nhân cách đồng thời thiên về sự gương mẫu chứ không đơn thuần là bạn có năng lực.Tuy có những áp lực nhất định nhưng nghề nhà giáo cũng rèn luyện cho chúng ta sự chủ động trong công việc từ công tác soạn giáo án, giảng bài, kiểm tra, chấm điểm,...
4. Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp của ngành Sư phạm
Trong ngành Sư phạm, chúng ta có thể làm việc tại những vị trí như sau:
● Hệ thống các trường học từ mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường phổ cập, bổ túc văn hóa, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, Cao đẳng, Đại học.
● Các Cơ quan Quản lý giáo dục từ Trung ương cho đến địa phương bao gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở, Phòng, Ban Giáo dục tại các tỉnh thành trong cả nước.
● Các tổ chức, trung tâm trong và ngoài nước liên quan đến giáo dục,...
Đây là nghề yêu cầu chúng ta phải được đào tạo chính quy trong những ngôi trường có đào tạo ngành Sư phạm hoặc phải có chứng chỉ Sư phạm. Với phái nữ, đây là một trong những sự lựa chọn được lý tưởng nhất vì họ có nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc gia đình, ít bon chen theo nhịp sống xô bồ của xã hội.
Song song với chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước Việt Nam ta, số trường lớp ở Việt Nam không ngừng tăng trong những năm tháng qua dẫn đến nhu cầu tuyển dụng giáo viên ngày càng cao.
Hiện nay, bậc lương của nhà giáo là một trong những bậc lương cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp ở nước Việt Nam. Tuy nhiên, chính vì số lượng người theo học ngành Sư phạm thường đông nên tình hình cạnh tranh trong tuyển dụng cũng khá gay gắt.
5. Phẩm chất và kỹ năng cần có để theo đuổi ngành Sư phạm
Để theo đuổi và học tập thành công, cũng như trở thành một giáo viên thực thụ, các em học sinh cần hội tụ đủ những tố chất sau đây:
- Có kỹ năng truyền đạt dễ hiểu trên cả hai phương tiện nói cũng như viết
- Giàu lòng yêu thương, đặc biệt là yêu mến học sinh, thế hệ những người trẻ tuổi. Nếu là giáo viên mầm non, tiểu học thì các bạn nên có tình yêu thực sự dành cho trẻ em, thấu hiểu tâm lý trẻ em nhiều hơn.
- Có tấm lòng bao dung, độ lượng và một trái tim nhân hậu
- Có tính nhạy cảm, có khả năng nắm bắt tâm lý học trò một cách chính xác và nhanh chóng nhất có thể.
- Luôn kiên trì, nhẫn nại và không nên chán nản trước nhiều tình huống.
- Ham học hỏi, luôn rèn luyện sở thích, kỹ năng truyền đạt kiến thức cho người khác.
6. Những trường có đào tạo ngành Sư phạm nổi tiếng ở nước ta
Một số trường chuyên đào tạo ngành Sư phạm uy tín và nổi tiếng ở nước ta bao gồm:
- Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương
- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1
- Đại Học Sư Phạm Hà Nội 2
- Trường Đại học Giáo Dục – Đại học Quốc Gia Hà Nội
- Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội
- Học Viện Quản Lý Giáo Dục
- Đại Học Sư Phạm – Đại Học Thái Nguyên
- Trường Đại học Sư phạm Huế
- Đại Học Ngoại Ngữ – Đại Học Huế
- Đại Học Ngoại Ngữ – Đại Học Đà Nẵng
- Đại Học Sư Phạm – Đại Học Đà Nẵng
- Trường Đại học Sư phạm TP.HCM
- Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
- Trường Đại học Sư phạm TP.HCM
Trên đây là những thông tin về hướng nghiệp ngành Sư phạm, ngành nhà giáo mà bài viết muốn giới thiệu đến các bạn, nhất là những bạn học sinh lớp 12 đang có ý định muốn theo đuổi ngành này. Mến chúc các bạn sẽ thành công trên con đường học ngành Sư phạm, và sẽ trở thành những người thầy, người cô mẫu mực, ưu tú.
0 Nhận xét