Header Ads

Học khối D nên chọn ngành nào để dễ có việc làm nhất?

Chắc hẳn ai trong chúng ta đều biết khối D vừa bao gồm cả môn tự nhiên (Toán) và môn xã hội (Văn, tiếng Anh), có lẽ vì vậy, mà đây cũng là khối cho thí sinh nhiều cơ hội trong việc chọn lựa nghề nghiệp nhất. Do đó, sinh viên theo khối D khi tốt nghiệp thì có thể làm việc ở đa dạng lĩnh vực, ngành nghề cũng như vị trí. Tuy nhiên, để chọn nghề dễ có việc làm nhất, lại là chuyện khác. Sau đây là một số gợi ý cho câu hỏi "Học khối D nên chọn ngành nào để dễ có việc làm nhất?".

1. Ngành Công nghệ thông tin

Đúng vậy, bạn không đọc nhầm đâu. Nếu như trước kia, chỉ có sĩ tử khối A mới có thể theo đuổi ngành nghề này, thì giờ đây, khối D cũng có thể cho bạn cơ hội ấy. Theo thống kê của Viện chiến lược thông tin và truyền thông trong những năm gần đây thì Công nghệ Thông tin luôn chiếm vị trí đầu trong top những ngành “khát nhân lưc” tại Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới.

Học khối D nên chọn ngành nào?

Các trường xét tuyển: ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP. HCM), ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp TP. HCM, ĐH Văn Lang…

2. Khối ngành Kinh tế

Đây hẳn là khối ngành đặc thù với khối D. Tuy nhiên, khối ngành này lại bao gồm rất nhiều các nhóm ngành như Quản trị (Quản trị kinh doanh, Quản trị nguồn nhân lực, Quản trị chuỗi cung ứng…), Kinh tế (Kinh tế học, Toán Kinh tế,...), Marketing, Ngân hàng, Kế - Kiểm… Tuy nhiên điều khó khăn là bạn cần xác định bạn thích nhóm ngành nào trong vô vàn nhóm ngành của Kinh tế để chọn cho mình một hướng đi đúng.

Khối ngành Kinh tế khối D

Các trường xét tuyển: ĐH Kinh tế TP. HCM, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại Thương, ĐH Kinh tế Luật, ĐH  Kinh tế Tài chính, ĐH Tài chính Marketing, ĐH Ngân hàng, Học viện Ngân Hàng,...

3. Khối ngành Sư phạm

Cũng như Công nghệ thông tin không dành riêng cho khối A, thì Sư phạm cũng không chỉ khối C mới có thể xét tuyển. Từ Sư phạm mầm non, sư phạm tin học, lịch sử, ngữ văn,... bạn đều có thể xét tuyển. Và tất nhiên khi bạn có thực lực, có đam mê, thì bất kì ngành nghề nào cũng mang đến cho bạn cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn

Thi ngành sư phạm khối D

Các trường xét tuyển: ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương, ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội,...

4. Ngành Ngôn ngữ Anh

Với xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay thì việc ngành ngôn ngữ Anh trở nên “khát nhân lực” cũng không có gì là lạ. Tuy nhiên, đây là ngành có rất nhiều chuyên ngành như biên phiên dịch, tiếng anh du lịch, tiếng anh thương mại, tiếng anh sư phạm,... Do đó, người học ra trường thường làm ở rất nhiều vị trí, chức vụ, lĩnh vực khác nhau.

Ngành ngôn ngữ Anh là lựa chọn phổ biến của các bạn thi khối D

Các trường xét tuyển: ĐH Kinh tế Luật TP. HCM, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Ngoại Thương, ĐH Mở TPHCM, ĐH Ngoại ngữ Tin học TP. HCM, ĐH Tài chính Marketing,...

5. Khối ngành cảnh sát - quân nhân

Có lẽ đây là nhóm ngành có mức điểm chuẩn cũng như tỉ lệ chọi khốc liệt chỉ sau nhóm ngành Y Dược. Bởi để vào được các ngành này, bạn không chỉ phải đảm bảo về điểm số, mà còn là lí lịch, sức khỏe,... và rất nhiều yếu tố khác.

Học khối D có nên thi ngành công an không?

Các trường xét tuyển: Học viện An ninh Nhân dân, Học viện Cảnh sát Nhân dân, ĐH Phòng cháy chữa cháy,...

6. Khối ngành Khoa học xã hội

Đây là nhóm ngành được xem như công tác xã hội, vì việc của bạn là mang lại những giá trị giúp đỡ xã hội ngày càng phát triên hơn, tiến bộ hơn. Tuy nhiên, đồng thời cũng là nhóm ngành trọng điểm trong tương lai, nhưng luôn rơi vào trạng thái “đói khát” nhân lực.

Khối ngành khoa học xã hội khối D

Một số ngành nghề thuộc nhóm mà bạn có thể chọn: tâm lý học, ngôn ngữ học, Lịch sử, Xã hội,... Khi tốt nghiệp ở nhóm ngành này, sinh viên có thể lựa chọn làm việc ở các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp nước ngoài,...

Các trường xét tuyển: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Nội vụ, ĐH Công Đoàn, ĐH Sài Gòn, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Văn Lang, …

7. Ngành Du lịch

Trong 3 năm trở lại đây, du lịch luôn là ngành nghề có số lượng nguyện vọng từ thí sinh đông đảo và sôi nổi. Có lẽ bởi nhu cầu trải nghiệm, khám phá của mọi người ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, khi nghe đến Du lịch, nhiều người lầm tưởng khi học ngành nghề này buộc bạn phải tự tin, giao tiếp tốt, dẫn đoàn/tour đi nhiều,... Nhưng đó chỉ là một chuyên ngành trong ngành Du lịch rộng lớn. Ngoài điều hành tour, bạn vẫn có thể tham gia các bộ phận khác trong công ty Du lịch và làm việc tại văn phòng, hoặc kinh doanh, đặt tour,....

Học khối D có nên thi ngành Du lịch

Các trường xét tuyển: ĐH Kinh Tế TP. HCM, ĐH Văn Lang, ĐH Kinh tế Luật, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Bà Rịa Vũng Tàu, các trường trung cấp nghề, các trường cao đẳng trên toàn quốc,...

8. Khối ngành truyền thông và tổ chức sự kiện

Ngày nay, khi xu hướng startup phát triển, các chiến dịch quảng bá sản phẩm, giới thiệu thương hiệu ngày càng trở nên rầm rộ, thì theo đó, nhu cầu truyền thông và tổ chức sự kiện từ các doanh nghiệp lại càng tăng cao. Tuy nhiên, để có một sự kiện thành công lại đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ từ nhiều bộ phận nhỏ. Thế nên, nhóm ngành này luôn đòi hỏi một nguồn nhân lực trẻ, năng động, sáng tạo, … để sự kiện có thể diễn ra một cách thuận lợi nhất.

Khối ngành truyền thông và tổ chức sự kiện

Các trường xét tuyển: ĐH Kinh tế Tài chính, ĐH FPT, ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Văn Lang, ĐH Văn Hóa TP. HCM, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn,...

9. Ngành Quản trị Nhà hàng - Khách sạn

Nếu như ngành Du lịch phát triển chóng mặt thì hệ quả kéo theo chính là “cơn khát” nhu cầu nhân lực trong nhóm ngành Nhà hàng - Khách sạn. Nhưng với nhóm ngành này, đòi hỏi ở sinh viên phải có kĩ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, cũng như thái độ, cách ứng xử khéo léo để làm hài lòng khách hàng. Và dù là nhóm ngành nào cũng sẽ gặp không ít khó khăn khi bắt đầu, thì nhóm ngành này cũng vậy.

Ngành Quản trị Nhà hàng - Khách sạn

Bạn đừng lấy làm ngạc nhiên khi những sinh viên ngành này khi vừa ra trường phải thực tập và làm việc như những nhân viên dọn phòng, bồi bàn… Bởi lẽ, đây là ngành buộc bạn phải có bước thăng tiến từ thấp đến cao, yêu cầu bạn phải nắm rõ các quy trình thì mới có thể điều hành tập thể hoạt động tốt được.

Các trường xét tuyển: ĐH Bà Rịa Vũng Tàu, ĐH Tài chính Marketing, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Văn hóa TP. HCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Ngoại ngữ Tin học TP. HCM, ĐH Văn Lang, ĐH Quốc tế Sài Gòn,...

10. Các khối ngành khác

Vì khối D là sự giao thoa giữa tự nhiên và xã hội, nên chắc chắn không thể thiếu các khối ngành như Công nghệ kỹ thuật ( Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ may, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử,...), Tài nguyên và môi trường (Khoa học môi trường, quản lý đất đai, Tài nguyên trái đất,...) và một số ngành nghề khác.

Vậy là chúng mình đã cùng điểm qua top 10 ngành nghề nổi  bật dành cho các sĩ tử ôn thi khối D. Chúng mình hi vọng bài viết có thể giúp ích cho các bạn trong việc tìm ra ngành nghề mình yêu thích

Chúc các bạn thành công!


Đăng Nhận Xét

0 Nhận xét