Header Ads

Học Marketing ra trường làm gì? Tổng quan về nghề Marketing

Philip Kotler từng định nghĩa rằng: Marketing là nghệ thuật tạo ra giá trị, truyền thông và phân phối những giá trị đó nhằm thỏa mãn vấn đề của khách hàng để mang lại lợi nhuận tối ưu cho doanh nghiệp. Nghe đến đây thì có thể sẽ gây khó hiểu cho các bạn sinh viên, đặc biệt là năm nhất. Phần vì định nghĩa khá nhiều từ mang tính học thuật, phần vì bạn vẫn chưa nắm rõ Học marketing ra làm gì? Vậy thì qua bài viết này, mình mong rằng phần nào thắc mắc của bạn sẽ được giải đáp và cũng giúp bạn định hướng rõ ràng hơn trong chặng đường sắp tới.

Học Marketing ra trường làm gì? – Client vs Agency

Đầu tiên, chắc hẳn ai chúng ta đều nghe và biết Marketing bao gồm 2 mảng chính là: Agency và Client. Chúng ta cùng tìm hiểu sơ qua 2 mảng này để bạn rõ hơn nhé!

Học Marketing ra trường làm gì? – Client vs Agency

Agency: Agency được hiểu là những công ty/tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ quảng cáo, truyền thông cho các công ty/tổ chức khác.

Client: là từ dành cho những công ty chuyên sản xuất, cung cấp sản phẩm hay dịch vụ tới người tiêu dùng. Thông thường, những công ty này sẽ thuê/mua các dịch vụ Marketing của các công ty Agency sau đó đánh giá ý tưởng, kiểm soát tính thực thi và kết quả cuối cùng.

Vậy giờ bạn đã biết về 2 mảng chính của Marketing, từ đây chúng ta sẽ cùng nhau định hướng những công việc chính trong 2 mảng.

Công việc trong công ty Client 


Công việc Marketing trong các doanh nghiệp Client

Về phía các công ty Client, ta thường thấy các vị trí sau:

Brand Manager (Quản trị thương hiệu): Có thể xem đây là mục tiêu hướng tới của hầu hết bạn trẻ yêu thích việc định hình thương hiệu. Thế nhưng, trái với cái danh hiệu đầy quyền lực kia, Brand Manager phải chịu nhiều áp lực hơn người ta vẫn tưởng. Bởi đây được xem như người thuyền trưởng trong việc tìm ra hướng đi cho nhãn hàng trên con đường chinh phục khách hàng. Ngoài ra, bạn cũng cần hiểu về nhãn hàng mình đang làm, từ lịch sử hình thành và phát triển đến chiến lược trong tương lai. Để làm tốt vị trí này, đòi hỏi bạn cần có tư duy tốt về quản trị bao gồm: phân tích thị trường, tâm lí khách hàng, làm việc về các bên Agency, ý tưởng phát triển sản phẩm trong tương lai… tất cả đều đòi hỏi bạn phải có cái nhìn tổng quát, toàn diện vấn đề.

Market Research & Analytics Manager (Bộ phận nghiên cứu & phân tích thị trường): Nếu chưa từng làm việc ở công ty Client, ta vốn tưởng việc nghiên cứu và phân tích thị trường chỉ nằm ở các công ty Agency. Thế nhưng trái lại, tại các công ty Client, họ không chỉ dùng những số liệu, thông tin từ bên Agency cung cấp, mà họ cũng có hẳn một bộ phận chuyên nghiên cứu, tích lũy data nội bộ. Và đằng sau những Brand Manager thì những Market Research & Analytics Manager chính là những anh hùng thầm lặng sau những thành công mà nhãn hàng đạt được. Để làm tốt việc nghiên cứu, trước hết đòi hỏi bạn cần có một đầu óc nhanh nhạy trước những vấn đề mới, sự kiên trì, tính cẩn thận và khả năng liên kết thông tin sẽ giúp ích bạn rất nhiều trong vị trí này.

Media Manager (Quản trị truyền thông): Một bộ phận hoàn toàn mới toanh trong nền Marketing hiện đại. Họ là những người quản lí nhãn hàng trong mặt truyền thông. Và Media Manager chính là chiếc cầu nối liên kết giữa Brand Team và Communications phía Agency. Không những đòi hỏi tinh thần làm việc nhóm, Media Manager còn đòi hỏi nguồn nhân sự nắm vững chuyên môn về Digital Marketing, bắt kịp những xu hướng mới từ người tiêu dùng.

Executive (Bộ phận điều hành): Từ bản kế hoạch tổng quát đến cụ thể, những KPI cần phân tích, đến các chiến lược triển khai đều cần sự điều hành từ bộ phận Executive. Nhiệm vụ của họ là thực thi các bản kế hoạch hàng chục slides từ định hướng của các Manager.

Interns (Thực tập sinh): Bạn là sinh viên mới ra trường? Bạn có niềm đam mê với Marketing và đang tìm kiếm một cơ hội để thử sức? Thì vị trí interns này chính là cơ hội tốt nhất để bạn dấn thân và trải nghiệm. Và sau quá trình đó, bạn sẽ được va chạm thực tế, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế và sau cùng là bước đệm thăng tiến giúp bạn nắm chắc chiếc vé trở thành nhân viên chính thức từ tập đoàn.

Học Marketing ra trường làm gì tại Agency?

Nhiệm vụ ở Client là thế. Vậy học Marketing ra làm gì tại Agency? Tiếp theo, chúng ta hãy cùng điểm qua những vị trí cơ bản trong một doanh nghiệp Agency nhé.

Copywriter: Đây chắc chắn là cái tên được mọi marketer nêu lên đầu tiên mỗi khi nói về vị trí làm việc tại các công ty Agency. Họ không chỉ đơn giản là những người làm việc viết lách, mà họ còn mang cả trọng trách lên ý tưởng, nắm bắt thị hiếu, tâm lý khách hàng. Ngoài việc quản lí các bài viết, copywriter còn chịu trách nhiệm cho những slogan theo sự kiện, thông điệp trên mỗi poster, banner được đưa đến với người tiêu dùng.

Creative Director: Những con người với đầu óc bay bổng cùng trí tưởng tượng phong phú song lại rất thực tế. Họ luôn mang trong mình những ý tưởng mới lạ, độc đáo và khác biệt. Hơn ai hết, họ là người hiểu rõ khách hàng cần gì, có xu hướng trong tiêu dùng ra sao, để nhằm đáp ứng tốt nhất những yêu cầu từ phía Client.

Giám đốc sáng tạo trong Marketing agency


Designer: Không chỉ là con người của những ý tưởng, mà họ còn có tài năng thế hiện ý tưởng đó ra giấy một cách phá cách, thu hút và đầy sống động. Là những con người làm bạn với phần mềm đồ họa và chuột máy tính, bút vẽ để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch truyền thông Marketing.

Media Buyer: Nếu như từ phía Client có bộ phận Media Manager thì Agency lại có Media Buyer. Tuy nhiên, công việc của họ thì không mấy là giống nhau. Media Buyer là bộ phận chịu trách nhiệm liên lạc với phía truyền thông cũng như báo giới. Và tất nhiên, vị trí này đòi hỏi người làm phải có kĩ năng giao tiếp tốt, ứng xử khéo léo, tư duy sắc xảo để đạt được mục tiêu trong thương lượng.

Executive – tất nhiên! Kể cả bạn là công ty Agency hay Client, thì công ty bạn đều không thể thiếu bộ phận điều hành này. Họ không chỉ giúp bạn đưa ra các đánh giá tổng quan, mà còn vừa đảm đương vai trò marketing lẫn sale trong công ty. Thậm chí có thể khẳng định một công ty Agency không thể nào thiếu vị trí quan trọng này.

Account Manager – Học Marketing ra trường làm gì? Ơn giời, lại một vị trí quan trọng nữa đây rồi! Tại sao ư? Vì họ là những người có trọng trách mang mọi hợp đồng hợp tác với Client về cho công ty/tổ chức. Là cầu nối giữa Agency và Client, chắc hẳn tài ăn nói của họ là điều không thể chê đi đâu được. Thậm chí, ta có thể nói họ là gương mặt đại diện cho cả công ty. Và đây cũng là vị trí vàng trong làng bước đệm, giúp bạn dễ dàng có cơ hội chạm đến chiếc ghế giám đốc, vì những cá nhân này đều là những người có mạng lưới xã hội rộng, có tầm nhìn xa và cách xử lí vấn đề vô cùng khéo léo.

Account Executive: Song song với Account Manager chính là họ – những người thực hiện hợp đồng mà các AM mang về. Sau khi tiếp nhận hợp đồng, cũng chính họ là những người phân công công việc cho các phòng/ban, và triển khai ý tưởng đến với team triển khai dự án. Và tất nhiên, ở vị trí này, bạn cũng sẽ phải nhận cũng như phản hồi rất nhiều feedback từ khách hàng nhằm giúp công ty cũng như toàn thể phòng ban sửa đổi/bổ sung, cải tiến hơn.

Các Marketing Agency nổi tiếng tại Việt Nam


Dentsu marketing agency

Trước khi kết thúc bài viết, chúng mình muốn liệt kê cho các bạn những doanh nghiệp Agency mà bạn có thể đặt mục tiêu sau ra trường:

>> Công ty quảng cáo như:
  • Ogilvy & Mather Vietnam
  • BBDO Vietnam
  • Saatchi & Saatchi Vietnam
  • Hokuhoda Vietnam

>> Tập đoàn/Công ty nghiên cứu thị trường như: Nielsen, Vina Research, Kantar,...

>> Công ty truyền thông nổi tiếng như:
  • GroupM bao gồm: Mindshare, Mediacom, Maxxus, MEC
  • Publicis bao gồm: Performics, Opti, Equinox, Startom, Zenith
  • Đất Việt Group – VAC bao gồm: Đông Tây Promotions, TKL Media…
  • Dentsu Asia Network bao gồm: Dentsu VN, Dentsu Alpha, Dentsu Media

>> Các tổ chức hỗ trợ dịch vụ

Vậy là chúng mình đã cùng nhau điểm qua tất cả những vị trí cơ bản trong ngành Marketing, trả lời câu hỏi “Học Marketing ra làm gì?” cũng như giới thiệu một số công ty Agency nổi tiếng tại Việt Nam. Chúng mình rất mong rằng bài viết này sẽ hữu ích với những ai đang chập chững bước vào lĩnh vực này và giúp các bạn đưa ra quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn con đường sự nghiệp.

Chúc các bạn thành công!

Đăng Nhận Xét

0 Nhận xét