Header Ads

10 lời khuyên định hướng dành cho sinh viên năm nhất

Sinh viên năm nhất nên làm gì? - Có lẽ đây là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất sau những ngày đầu nhập học vào tháng 8 vừa qua. Và nắm bắt được tâm lý đó, chúng mình đã chuẩn bị sẵn cho bạn 10 lời khuyên định hướng dành cho sinh viên năm nhất với mong muốn sẽ giúp ích cho các bạn trong việc tìm ra lối đi phù hợp cho bản thân để có những năm tháng sinh viên đầy tuyệt vời nhé!

1) Học ngay đi!

Chắc có lẽ các bạn đã quá quen khi liên tục nghe những câu nói đại loại như: ‘‘Năm nhất nhàn lắm!’’, ‘’Lên đại học chơi là chính em ơi”... thì mình mong các bạn hãy giữ tỉnh táo và đừng vội tin vào những điều đó nếu không muốn những năm tháng sau này của các bạn trượt dài trên sự lười biếng.

Sinh viên Bách Khoa bị đuổi học
Ảnh 1. "Đại học nhàn lắm, có phải học hành gì đâu..." (Nguồn: cafef.vn)

Đại học không phải là thời gian nghỉ ngơi sau 12 năm đèn sách, mà chính là thời gian các bạn phải học tập gấp đôi, làm việc gấp đôi để có một tương lai tươi sáng hay ít nhất là ra trường đúng hạn. Vậy nên, hãy chăm chỉ đọc bài trước khi đến lớp, giành ra 30 phút mỗi ngày để ôn lại bài đã học hoặc tự học hỏi thêm từ nhiều nguồn khác.

2)  Tham gia câu lạc bộ

Câu lạc bộ - nơi không những giúp bạn mở rộng các mối quan hệ mà còn mở mang thêm nhiều kiến thức chuyên môn (đối với các câu lạc bộ học thuật).Hãy cố gắng làm quen với các anh chị khóa trên, các bậc tiền bối đã ra trường, bởi đôi khi, lượng kiến thức từ kinh nghiệm thực tiễn họ truyền cho bạn còn quý giá hơn cả những giờ mài mông nơi giảng đường. Tuy nhiên, các bạn vẫn phải luôn nhớ mục đích mình tham gia câu lạc bộ là gì, để tránh sa đà vào các cuộc karaoke, bia bọt, tụ họp không cần thiết nhé. 

Tham gia CLB ở Đại học
Ảnh 2. Tham gia câu lạc bộ tại trường ĐH để được phát gấu miễn phí...mỗi khi đi hiến máu. (Nguồn: Sưu tầm)

3)  Học cách quản lí chi tiêu 

‘’Đừng mua chiếc túi trị giá 300 USD mà không có gì trong đó cả. Mua một chiếc túi trị giá 10 USD thôi và bên trong có 290 USD. Đừng để mình phá sản vì cố làm ra vẻ giàu có”. Chắc hẳn không phải ngẫu nhiên mà tỉ phú Warren Buffett lại nhắn gửi bài học này đến giới trẻ, vậy nên hãy ghi nhớ nó và chi tiêu mọi thứ thật cẩn thận. 

Bạn cũng có thể cân nhắc về việc có một quyển sổ tay ghi chép lại mọi việc chi tiêu trong ngày, trong tuần và trong tháng, bởi như thế, bạn sẽ dễ dàng thống kê được mình đã chi tiêu thế nào và phải điều chỉnh ra sao. Ngoài ra việc ghi chép cũng sẽ luyện cho các bạn thói quen cẩn thận, tỉ mỉ và rõ ràng với nguồn tài chính cá nhân.

4)  Tránh xa đa cấp

Đa cấp - cụm từ không quá xa lạ với sinh viên thành phố, nhưng với những bạn sinh viên năm nhất, đặc biệt là từ các tỉnh lẻ, thì nó còn quá lạ lẫm. Có lẽ đa cấp luôn đánh vào tâm lí của những bạn mang nỗi lo về học phí, về tiền trang trãi sinh hoạt nên đã có không ít bạn vô tình rơi vào chiếc bẫy này.

Ảnh 3. Sinh viên cần thận trọng trước những mánh khóe lừa đảo tinh vi. (Nguồn: theleader.vn)

Hiện nay, đa cấp được biết đến với vô vàn hình thức như: tuyển dụng nhân sự, tham gia khóa học làm giàu, việc làm tại nhà,... Vậy nên, một lần nữa, chúng mình mong rằng bạn luôn tỉnh táo trước những lời mời gọi về việc nhẹ lương cao. Hãy làm việc và hưởng lương xứng với công sức mình bỏ ra bạn nhé!

5)  Học cách tự chăm sóc bản thân

Là sinh viên năm nhất, dù bạn sống xa nhà hay ở chung với gia đình, cũng nên tự học cách yêu thương bản thân, chăm sóc cho mình. Nghe thì có vẻ to tát, xa xôi, nhưng thực tế chỉ là tự nấu ăn cho mình, tự nhắc bản thân đi ngủ sớm, uống nhiều nước mỗi ngày, ăn nhiều rau củ, trái cây. Chỉ những việc tưởng chừng đơn giản như vậy, như chẳng mấy ai làm được, vì thường ai cũng nghĩ ta còn trẻ, sức khỏe còn nhiều, nên rát chủ quan. Một lần nữa, chúng mình mong những ai đang thức khuya, uống ít nước, phí sức hãy nhớ: chiếc giường đắt nhất là giường bệnh, hãy trân trọng sức khỏe khi còn có thể.

6)  Học bất kì một ngôn ngữ khác

Việc biết sử dụng nhiều ngôn ngữ chính là chiếc chìa khóa quyền lực giúp bạn trở thành một công dân toàn cầu. Ngoài ra, từng có nghiên cứu chỉ ra rằng việc biết đa ngôn ngữ giúp ta tăng khả năng phân tích, kích thích não bộ phát triển, từ đó tăng khả năng giải quyết vấn đề.

Và hơn thế nữa, mỗi ngôn ngữ chính là một nền văn hóa, tiếp xúc với càng đa dạng văn hóa, ta lại càng có nhiều cơ hội trải nghiệm, nhiều cơ hội phát triển ngay từ khi còn là sinh viên. Vậy nên, hãy tranh thủ học thêm một ngôn ngữ mà bạn yêu thích ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất.

Ảnh 4. Thành thạo tiếng Anh hiện nay đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong nhiều lĩnh vực. (Nguồn: Sưu tầm)

7)  Cân bằng giữa việc học và làm thêm

Đi làm phụ giúp bố mẹ trang trải tiền học phí, sinh hoạt phí thì tốt. Nhưng cũng đừng quên chúng ta còn trẻ, còn nhiều cơ hội để học tập và nâng cao bản thân. Vậy nên đừng vì những giờ làm thêm mà bỏ học, chúng ta không chỉ phải học 4 năm đại học, mà còn học cả đời, không ngừng học hỏi, không ngừng phát triển, đó mới là điều giúp chúng ta thành công trên bước đường sau này. Khi bố mẹ nói họ còn lo được, hãy tin họ, giúp đỡ được thì tốt, không được thì hãy học cho tốt để sau này khi phải lo lại cho bố mẹ, không phải chật vật như bây giờ họ lo cho mình, bạn nhé!

8)  Tập thói quen đọc sách 

Sẽ không ngoa khi nói rằng: Sách là kho tri thức vô tận của nhân loại. Bạn thử hình dung xem, có những danh nhân họ mất cả đời để chiêm nghiệm, rút ra bài học và ghi chép lại. Có những bài học hiển nhiên, cũng có bài học phải đánh đổi bằng tiền bạc, mối quan hệ, hay thậm chí là tất cả những gì quý giá nhất của họ. Còn bạn chỉ việc đọc mà cũng lười, vậy bạn còn mong gì tới thành công?

Ảnh 5. Đọc sách đúng cách sẽ thay đổi con người bạn. (Nguồn: Sưu tầm)

9)  Kĩ năng tự học

Một lần nữa phải nhắc bạn nhớ, giảng đường không phải nơi bạn dừng chân nghỉ xả hơi sau 12 năm đèn sách. Và giảng đường cũng không phải là nơi để bạn chỉ nghe - chép máy móc như thời cấp ba. Đại học yêu cầu bạn tự học, tự rèn luyện, tự nghiên cứu sáng tạo nhiều hơn bạn tưởng đấy! Vậy nên, làm quen với thư viện, kết thân với những bạn chăm chỉ, tăng cường học nhóm một cách có hiệu quả để không bỏ phí 4 năm thanh xuân nơi giảng đường là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trang vào đời của bạn đấy.

10)  Chuyện yêu đương


Ảnh 6. Tình yêu sinh viên liệu có đẹp như bạn tưởng tượng? (Nguồn: toplist.vn)

18 tuổi, cái tuổi của những khung trời mơ mộng, của tự do, của màu hồng của sống. Đồng ý rằng không ai cấm bạn yêu đương, nhưng hãy biết đâu là giới hạn của mình, và sống thật thực tế. Cũng đừng vội mơ về một túp lều tranh hai quả tim vàng, bởi không phải tự nhiên người ta lại nói: Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu. Hãy yêu đương một cách lành mạnh, trong sáng và cùng nhau vun đắp để tương lai tốt hơn bạn nhé!

Lời kết

Trên đây là tổng hợp 10 lời khuyên định hướng dành cho sinh viên năm nhất  mà tụi mình đã thu thập từ những anh chị khóa trên và cả cựu sinh viên. Chúng mình hi vọng nó có thể giúp bạn thấy rõ những việc cần làm và cần tránh trên con đường dài phía trước.

Đăng Nhận Xét

0 Nhận xét