Header Ads

Bí quyết tiết kiệm tiền sinh hoạt cho sinh viên học tập xa nhà

Mặc dù rất nhiều sinh viên hiện nay đã ý thức được gánh nặng tài chính khi học Đại học và có đi làm thêm để giảm bớt áp lực cho cha mẹ, nhưng phần lớn cuộc sống của họ vẫn phụ thuộc vào kinh tế của gia đình. Dưới đây là 10 bí quyết tiết kiệm tiền sinh hoạt cho sinh viên học tập xa nhà để có thể trang trải cuộc sống mà vẫn cảm thấy thoải mái.

Bí quyết tiết kiệm tiền sinh hoạt cho sinh viên

Trước khi đến với những lời khuyên về việc tiết kiệm chi phí sinh hoạt, các bạn hãy cùng mình điểm sơ qua về các khoản chi phí mà một bạn sinh viên sẽ tiêu đến trong vòng một tháng nhé!

Bí quyết tiết kiệm tiền cho sinh viên
Ảnh 1. Sinh viên chi tiêu bao nhiêu tiền trong một tháng?

Sinh viên tiêu bao nhiêu tiền trong một tháng?

Với phong cách sinh hoạt khác nhau, cách chi tiêu khác nhau, hay tùy thuộc vào khu vực địa lý mà mỗi bạn sinh viên sẽ có một câu trả lời riêng cho câu hỏi này. Dù vậy, vẫn có những khoản tiền mà hầu hết sinh viên đều phải quan tâm đến như học phí, tiền nhà, tiền ăn, tiền đi lại,... Dưới đây là số liệu chủ quan mà mình ước tính dựa trên chính bản thân mình cũng như bạn bè xung quanh trong thời gian học tập tại Hà Nội.

  • Tiền ăn: khoảng 50.000đ/ngày, tức khoảng 1.500.000đ/tháng
  • Tiền nhà: tìm được chỗ trọ gần trường và ở ghép thì một tháng hết khoảng 1 triệu đồng (tính cả điện, nước, Wi-fi)
  • Tiền đi lại: trung bình khoảng 300.000đ/tháng
  • Chi phí khác: 200.000đ/tháng (bao gồm sách vở, dụng cụ học tập, mua sắm linh tinh)

Như vậy là tổng cộng một tháng bạn đã mất tới 3.000.000đ cho sinh hoạt phí, cộng với số tiền học mỗi kỳ phải đóng, con số cuối cùng sẽ còn lớn hơn thế nữa. Đối với những gia đình không được khá giả cho lắm, 3 triệu đồng/tháng chắc chắn sẽ khiến nhiều bậc cha mẹ phải mất ăn mất ngủ, đặc biệt là với các bạn sinh viên từ tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa tới học tại các thành phố lớn. Chính vì vậy, đã đến lúc bạn phải tự học cách quản lý chi tiêu và tiết kiệm đúng đắn để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Sinh viên cần làm gì để tiết kiệm chi phí sinh hoạt?

Làm thêm là cách tốt nhất để sinh viên kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống Đại học, nhưng nếu bạn nào muốn dành toàn bộ thời gian cho việc học tập thì hãy áp dụng những mẹo dưới đây để tiết kiệm một cách hiệu quả mà vẫn có cuộc sống thoải mái nhé!

1. Mua và bán lại giáo trình cũ 


Mua bán lại giáo trình đã cũ

Có thể nói đây là cách tốt nhất để sinh viên tiết kiệm một khoản tiền lớn vào đầu mỗi kỳ học. Nhìn chung giáo trình Đại học không quá quan trọng như sách giáo khoa thời phổ thông và cũng ít khi được chỉnh sửa, tái bản nên một cuốn giáo trình có thể qua tay rất nhiều thế hệ sinh viên mà vẫn giữ được giá trị. Hơn nữa, giá thành của một cuốn giáo trình mới mua tại trường là khá "chát" so với mua lại từ các anh chị khóa trên (chỉ từ 10-30k/quyển) nên chẳng có lý do gì mà mình không mua sách cũ cả.

2. Hạn chế ăn uống bên ngoài 


Học cách nấu ăn tại nhà
Ảnh 3. Bữa cơm sinh viên ngon bổ rẻ nếu biết cách mua đồ và chế biến hợp lý.

Cho dù bạn không biết nấu ăn hay nấu dở thế nào đi chăng nữa, hãy học cách làm một bữa cơm tại nhà để tiết kiệm chi phí. Trên thực tế, có vô vàn món ăn ngon bổ rẻ mà sinh viên hoàn toàn có thể tự tay làm tại nhà thay vì ăn cơm bụi vừa tốn kém, vừa không đảm bảo vệ sinh. Trung bình, một bữa cơm đơn giản cho ba người sẽ tiêu tốn khoảng 30-40 nghìn đồng, con số này sẽ là ít nhất 60 nghìn đồng nếu bạn ăn bên ngoài. Bạn đã biết lý do mình cần học nấu ăn rồi chứ?

3. Rủ thêm bạn bè ăn uống chung mỗi cuối tuần

Thực tế là càng đông người thì tiền nguyên liệu nấu ăn lại càng được chia nhỏ. Nếu may mắn hơn thì trong nhóm bạn có thể xuất hiện những "Master Chef" đích thực một tay cân cả bữa tiệc với biệt tài nấu nướng của mình. Vì vậy, đừng ngần ngại rủ thêm bạn bè tới nhà mình ăn nhé!

4. Đi bộ hoặc phương tiện công cộng thay vì xe máy


Đi xe bus giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường
Ảnh 4. Chỉ 100k/tháng mà đi thả ga cả cái Hà Nội rồi!

Không thể phủ nhận xe máy rất tiện lợi trong việc di chuyển ở khoảng cách trung bình và xa, nhưng tiền xăng, tiền gửi xe và chi phí sửa chữa, bảo dưỡng có thể nhanh chóng hút cạn ví tiền của bạn. Nếu khoảng cách di chuyển không quá xa, bạn hoàn toàn có thể đi bộ hoặc sử dụng xe đạp nếu có. Một giải pháp tuyệt vời khác chính là xe buýt. Chỉ với 100.000đ/tháng (phí dành cho sinh viên), bạn đã có thể dễ dàng đi lại khắp thủ đô với một tấm thẻ và chiếc smartphone cài ứng dụng Tìm Buýt.

5. Tắt các thiết bị điện tử khi không sử dụng

Đa phần các nhà trọ hiện nay đều tính giá điện nước nhỉnh hơn so với giá thông thường nên việc dùng điện xả láng như khi ở nhà là rất không nên. Nhiều bạn sinh viên có thói quen cắm máy tính cả ngày cũng cần chú ý thay đổi thói quen của mình, vừa tiết kiệm điện, vừa tránh cho laptop bị chai pin.

6. Sử dụng những ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí


Sử dụng các ứng dụng nghe gọi miễn phí
Ảnh 5. Nếu có Wifi thì cứ Messenger với Zalo cho tiết kiệm nhỉ?

Thay vì tốn một khoản phí không nhỏ vào cước gọi điện và nhắn tin trên điện thoại, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn các ứng dụng miễn phí như Facebook Messenger, Zalo, Skype để liên lạc với bạn bè và người thân.

7. Tự học ngoại ngữ tại nhà thay vì đến trung tâm

Có thể đây sẽ là một bài toán khó cho những bạn sinh viên mất gốc hay còn yếu kém về tiếng Anh, nhưng các bạn cũng không nên cảm thấy quá tự ti và lo lắng đến mức bỏ ra hàng triệu đồng theo học các trung tâm tiếng Anh mà chưa biết kết quả sẽ ra sao. Dựa trên kinh nghiệm của cá nhân và những người bạn của mình, việc học tiếng Anh hiện nay là cực kỳ dễ dàng với sự trợ giúp của Internet. Rất nhiều những khóa học, bài giảng, tài liệu và video hoàn toàn miễn phí được chia sẻ khắp nơi. Học có hiệu quả hay không, có lẽ chỉ phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta mà thôi?

8. Hãy tự tay làm những món quà thay vì mua ở cửa hàng


Bí quyết tiết kiệm tiền sinh hoạt cho sinh viên học tập xa nhà
Ảnh 6. Nhẹ nhàng tình cảm như thế này thôi là đã đốn gục được tim nàng rồi. 

Tặng quà cho người thân, bạn bè vào các dịp đặc biệt trong năm là một cách để bạn thể hiện sự quan tâm đến người xung quanh. Thay vì tiêu tốn hàng trăm nghìn vào những món quà đắt tiền ở cửa hàng, tại sao bạn không tự tay làm ra các sản phẩm handmade, một cây xương rồng mini hay có thể là một chiếc bánh ngọt? Ắt hẳn người nhận cũng sẽ cảm thấy vui hơn rất nhiều nếu biết rằng bạn đã đặt trọn tình cảm và nỗ lực của mình vào món quà đầy ý nghĩa ấy.

9. Hạn chế sử dụng thẻ tín dụng 

Nói cách khác thì hãy để thẻ tín dụng của bạn ở nhà thay vì bỏ vào trong ví và mang đi mọi nơi để tránh tình trạng "mất kiểm soát" khi nhìn thấy một món đồ hấp dẫn mà trong ví lại không còn tiền mặt. Thực tế thì không nhiều người có thể kháng cự lại việc dễ dàng thanh toán qua thẻ tín dụng và sở hữu món đồ mình muốn ngay lập tức. Tuy nhiên, hãy luôn luôn tỉnh táo và biết dừng lại đúng chỗ trước khi các khoản nợ tín dụng trở nên quá lớn và hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát.

10. Liệt kê danh sách những thứ cần mua 

Hẳn là tất cả chúng ta khi đi mua sắm từng không ít lần "vung tay quá trán" và mất tiền vào những thứ không quá cần thiết. Lập một danh sách những thứ cần mua là cách đơn giản mà vô cùng hiệu quả để hạn chế tình trạng này. Dĩ nhiên là bạn phải hoàn toàn tuân thủ theo kế hoạch chi tiêu đã đề ra để có thể vừa tiết kiệm, vừa sở hữu được món đồ cần thiết.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG!

>> Xem thêm: Kinh nghiệm tìm nhà trọ dành cho sinh viên năm nhất

Đăng Nhận Xét

0 Nhận xét