Header Ads

Vượt qua nỗi sợ thuyết trình trước đám đông (Phần 3)

Ở phần 1 và phần 2 của loạt bài, chúng ta đã hiểu được nguyên nhân vì sao nỗi sợ thuyết trình lại xuất hiện mỗi khi ta nói trước đám đông và cách làm bạn với nỗi sợ đó. Trong phần 3 này, chúng ta sẽ tìm hiểu về “Công cụ trình chiếu trực quan” (Visual Aids) sử dụng khi thuyết trình và cách tận dụng tối đa sức mạnh từ những công cụ này.

 Công cụ trình chiếu rất quan trọng đối với bài thuyết trình.
Ảnh 1. Công cụ trình chiếu rất quan trọng đối với bài thuyết trình.

Nhắc tới các công cụ trình chiếu trực quan, có lẽ cái tên Microsoft Powerpoint là quen thuộc nhất đối với đa số mọi người. Ngoài Powerpoint, nhiều công cụ trình chiếu khác cũng đang được ưa chuộng như Impress, Prezi, Sway hay Google Presentation với cách sử dụng tương tự. Với bất kì bài thuyết trình nào, việc sử dụng trình chiếu sẽ giúp cho nội dung lời nói được minh họa một cách trực quan để người nghe có thể dễ dàng tiếp thu nội dung bài nói. Nếu bạn vẫn chưa thành thạo cách sử dụng các công cụ trình chiếu, hãy ngay lập tức tìm hiểu và làm chủ kĩ năng này bởi nó vô cùng cần thiết trong học tập cũng như công việc.

Nếu bạn đã nắm được cách sử dụng các công cụ trình chiếu một cách nhuẩn nhuyễn, chúng ta cùng tiếp tục với những thủ thuật phát huy tối đa tác dụng của hình ảnh trực quan nhé!

1. TIÊU ĐỀ THU HÚT

Trước hết hãy tìm cho bài thuyết trình một tiêu đề thật thu hút những cũng phải thật ngắn gọn, bao quát được toàn bộ nội dung bài thuyết trình.

2. SỰ ĐƠN GIẢN LÀ CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Bạn nghĩ rằng slide trình chiếu càng nhiều màu sắc, nhiều chi tiết, sử dụng hiệu ứng đặc sắc thì sẽ cuốn hút người xem? Đúng, thực sự nó thu hút người xem, nhưng không phải vào bài thuyết trình của bạn mà là vào những hiệu ứng đẹp mắt trên màn chiếu.

Và hệ quả tất yếu là chằng ai mấy quan tâm hoặc tiếp thu được điều mà bạn đang cố gắng để truyền đạt cho họ. Hơn nữa, có một số hiệu ứng trong Powerpoint rất “ngốn thời gian”, chỉ 5-7 giây ngồi thưởng thức hiệu ứng trình chiếu cũng đủ để khiến người xem mất tập trung và quên rằng họ đang nghe bạn thuyết trình.

3. HÃY SỬ DỤNG MÀU SẮC HỢP LÝ

Đừng bao giờ để màu của chữ và màu của nền quá giống nhau đến mức khán giả của bạn phải căng mắt ra mà vẫn không biết trên slide trình chiếu viết gì.

Ảnh 2. Bạn cảm thấy dễ chịu khi nhìn dòng chữ chứ? Hãy thử tưởng tượng khán giả của bạn phải xem một slide như thế này, liệu họ có còn hứng thú?

Lời khuyên là hãy tránh sử dụng những cặp màu sắc dễ gây khó chịu như đỏ/xanh lá, vàng/trắng, vàng xanh/dương,…Thay vì đó, hãy sử dụng những cặp màu sắc có tính tương phản cao để tránh tình trạng khó đọc: đen/trắng, xanh dương/trắng, trắng/đỏ,…

Một ví dụ về slide trình chiếu tốt:

Ảnh 3. Ít nhất thì người xem cũng có thể dễ dàng đọc được nội dung trên slide với cặp màu trắng/xanh.

4. KHÔNG NÊN ĐƯA QUÁ NHIỀU NỘI DUNG LÊN SLIDE THUYẾT TRÌNH

Một thực tế là có nhiều người khi thuyết trình thường sao chép nội dung bài nói một cách vô cùng chi tiết và đầy đủ lên slides với suy nghĩ để cho khán giả theo dõi tốt hơn. Nhưng việc làm này lại phản tác dụng bởi khi đó người xem sẽ chú tâm vào đọc nội dung nhiều hơn là nghe người thuyết trình nói. Tai hại hơn là nếu trên slide có quá nhiều nội dung, người xem sẽ dễ chán nản và “mặc kệ” bạn “lảm nhảm” trên bục thuyết trình với những slides kém thu hút.

Ảnh 4. Liệu bạn có đủ kiên nhẫn để đọc hết nội dung trên slide này?

Thay vì thất bại với việc thêm quá nhiều nội dụng, hãy áp dụng QUY TẮC SỐ 6:
  • Tối đa 6 dòng trên một slide
  • Tối đa 6 chữ trong một dòng
Quy tắc này sẽ giúp bạn trình bày thông tin một cách ngắn gọn, xúc tích, người xem sẽ không mất thời gian đọc cũng như không bị mất tập trung khỏi lời nói của bạn. Thêm vào đó, thay vì sử dụng những câu dài với đầy đủ ngữ pháp để đưa lên slide, hãy ưu tiên những CÂU NGẮN và những TỪ KHÓA. Việc đưa ra các từ khóa sẽ kích thích trí tò mò của khán giả, khiến cho họ sẽ càng chú ý lắng nghe bạn hơn.

5. SỬ DỤNG BULLET, NUMBER, BIỂU ĐỒ VÀ BẢNG

Sử dụng Bullet, đánh số là cách hữu hiệu để giúp cho nội dung bài thuyết trình được rõ ràng, dễ tiếp nhận. Nếu có thể, việc sử dụng biểu đồ và bảng để minh họa thông tin cũng là lựa chọn tốt, tất nhiên đừng quên giải thích cho người nghe cấu trúc và ý nghĩa của biểu đồ, bảng mà bạn sử dụng

Ảnh 5. Có rất nhiều dạng biểu đồ mà bạn có thể sử dụng để minh họa cho nội dung trình bày.

6. ĐƯA RA SỐ LIỆU HIỆU QUẢ

Các con số, số liệu đôi khi rất dài, khó để người nghe có thể hiểu được. Hãy cố gắng nói chậm và rõ ràng các con số, chỉ vào chúng khi nói. Ngoài ra trong các bài thuyết trình, việc sử dụng các con số gần đúng sẽ giúp người nghe dễ hiểu và dễ ghi nhớ hơn.

Bên trên là 6 thủ thuật giúp bạn tân dụng tối đa sức mạnh của các công cụ trình chiếu. Tony Benetti, nhà tư vấn truyền thông người Mỹ đã chia sẻ: “Nó được gọi là “Chết vì Powerpoint” khi người ta sử dụng rất nhiều hiệu ứng âm thanh và hình ảnh động mà sự chú ý của người nghe hoàn toàn xa rời thông điệp được truyền tải. Tôi nghĩ rằng Powerpoint là một công cụ tuyệt vời, những chỉ vì nó có rất nhiều hiệu ứng mà bạn phải sử dụng tất cả. Sự lạm dụng sẽ dẫn đến thất bại nặng nề”.

Powerpoint cũng như các công cụ trình chiếu trực quan khác là người bạn đồng hành tuyệt với nếu chúng ta biết cách tận dụng tối đa sức mạnh từ những người bạn này để truyển tải thông điệp một cách cuốn hút, sâu sắc nhất, và vượt qua nỗi sợ thuyết trình trước đám đông một cách dễ dàng.

Chúc các bạn thành công!

Đăng Nhận Xét

0 Nhận xét