Header Ads

Vượt qua nỗi sợ thuyết trình trước đám đông (Phần 2)

Trong phần thứ nhất của loạt bài viết "Vượt qua nỗi sợ thuyết trình trước đám đông" (tại đây), bạn đã hiểu được nguyên nhân dẫn đến sự lo lắng mỗi khi diễn thuyết trước đông người xuất phát từ tác dụng sinh lý của adrenaline.

Tiếp nối phần một, phần hai của loạt bài sẽ đề cập đến những phương pháp giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi mà bạn có thể áp dụng để thuyết trình một cách tự tin và cuốn hút hơn.

1. Sự chuẩn bị

Đối với bất cứ việc gì, chuẩn bị trước là điều vô cùng cần thiết để đảm bào thành công. "Không chuẩn bị tức là đã chuẩn bị để thất bại" (Failing to prepare is preparing to fail), đối với việc thuyết trình cũng vậy, có được sự chuẩn bị chu đáo tức là bạn đã nắm được tới 75% chiến thắng.

Vượt qua nỗi sợ thuyết trình bằng việc chuẩn bị kĩ càng
Ảnh 1. Sự chuẩn bị kĩ lưỡng mang đến tự tin cho nhà thuyết trình.


Câu hỏi đặt ra là chuẩn bị như thế nào cho hiệu quả?

  • Nội dung: Một bài diễn thuyết hay trước hết cần có nội dung thu hút, phong phú và có ích đối với người nghe. Bạn không thể nói cho ai đó điều mà chính bạn còn đang cảm thấy chưa rõ ràng. Trước mỗi bài nói, hãy dành thời gian tìm hiểu thật kĩ về chủ để bài thuyết trình, tìm kiếm những số liệu thông kê liên quan, những chi tiết thú vị mà bạn có thể đề cập để làm cho bài diễn thuyết hấp dẫn hơn.

  • Trang phục: Lựa chọn quần áo phù hợp để thể hiện sự tự tin cũng như chuyên nghiệp. Lời khuyên của các chuyên gia là bạn hãy ăn mặc trên khán giả một bậc, không những giúp thu hút mọi ánh nhìn về phía bạn mà còn tạo ấn tượng tốt về sự chuyên nghiệp, chu đáo. Hơn nữa, hãy hạn chế mang theo quá nhiều đồ vật nhỏ, điều này dễ khiến bạn trông có vẻ luộm thuộm, vụng về. 

  • Công cụ trình chiếu: Các công cụ trình chiếu là phần không thể thiếu góp phần minh họa lời nói của người thuyết trình bằng hình ảnh trực quan. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tận dụng hết sức mạnh của các công cụ này. Thiếu chú trọng hoặc quá lạm dụng đều dẫn đến những kết quả không mong muốn. Những phần sau của loạt bài viết sẽ đề cập cụ thể hơn về "Phương tiện trình chiếu" cũng như cách tận dụng tối đa sức mạnh của nó trong bài thuyết trình.
Công cụ trình chiếu phục vụ cho bài thuyết trình trước đám đông
Ảnh 2. Công cụ trình chiếu là điều gần như bắt buộc phải có.

  • Khán giả: Việc nói trước mặt những người mà bạn đã quen từ trước chắc chắn dễ dàng hơn nhiều so với những người xa lạ hoàn toàn. Vì vậy, hãy dành thời gian trước bài phát biểu để làm quen với khán giả của bạn, họ sẽ phần nào giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn.

2. Mở đầu và kết thúc quyết định thành công

Thực tế cho thấy hai thời điểm mà người nghe chú ý nhất đến bài thuyết trình chính là phần MỞ ĐẦUKẾT THÚC. Đây chính là hai "thời điểm vàng" để bạn có thể tạo ấn tượng tốt với khán giả của mình.

Một khi đã gây được thiện cảm của người nghe ở phần đầu bài nói, họ sẽ tập trung lắng nghe hơn ở phần sau và nỗi lo "nói mà không có người nghe" của bạn sẽ không còn nữa. 

Phần kết của bài thuyết trình cũng là lúc bạn có thể để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người nghe. Còn gì tuyệt vời hơn sau mỗi bài thuyết trình trước đám đông bạn nhận được tràng pháo tay tán dương nhiệt liệt từ phía khán giả của mình?

Mở đầu bài thuyết trình nhàm chán đồng nghĩa với thất bại một nửa.
Ảnh 3. Mở đầu bài thuyết trình nhàm chán đồng nghĩa với thất bại một nửa.


3. Hãy sử dụng ngôn từ dễ hiểu

Nhiều người khi thuyết trình có "sở thích" sử dụng những từ phức tạp, đôi khi rất khó hiểu, nhất là khi thuyết trình bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, họ nên hiểu rằng sử dụng ngôn ngữ phức tạp có thể khiến họ nghe có vẻ "chuyên nghiệp và hiểu biết" hơn, nhưng thực sự là khiến người nghe cảm thấy khó tiếp thu nội dung bài nói. 

Thay vào đó, hãy sử dụng ngôn ngữ mà hầu hết người nghe có thể hiểu được một cách dễ dàng, chỉ sử dụng từ ngữ chuyên ngành khi bạn chắc chắn rắng tất cả người nghe có thể hiểu được điều mà bạn sắp nói.


4. Luyện tập để làm chủ nỗi sợ

Bài viết trước đã đề cập tới ảnh hưởng mạnh mẽ của adrenaline khi bạn thuyết trình, vậy luyện tập như thế nào để có thể tận dụng được nguồn năng lượng này vào việc diễn thuyết?

Trước đây, khi còn là một học sinh mới vào lớp 10, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể đứng diễn thuyết trước đám đông. 

Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng luyện tập, tôi đã cảm nhận được sự khác biệt - không còn lo sợ, không còn nói lí nhí như trước, thay vào đó là cảm giác tràn đầy nhiệt huyết, năng lượng, cảm giác được làm chủ bài diễn thuyết. Tất cả đã thay đổi nhờ phương pháp luyện tập mà tôi học được từ A.J. HOGE - người sáng lập ra phương pháp Effortless English. Tôi tạm gọi phương pháp đó là "LÀM BẠN VỚI NỖI SỢ".


Bí kíp của các nhà diễn thuyết nổi tiếng hàng đầu thế giới.
Ảnh 4. Hãy làm bạn với nỗi sợ thay vì trốn tránh nó - Đó là bí kíp của các nhà diễn thuyết nổi tiếng hàng đầu thế giới.

Cụ thể hơn, khi luyện tập thuyết trình trước đám đông, thay vì nói trong một tâm thế bình tĩnh, bạn sẽ phái tập luyện trong một điều kiện được mô phỏng giống như khi bạn đang thuyết trình thực sự.

Thông thường khi luyện tập diễn thuyết, đa số đều thực hiện ở một trạng thái rất thoải mái: tập luyện một mình, có thể là trước gương hoặc trước mặt một hai người quen. 

Tuy nhiên, thực tế khi bạn thuyết trình lại rất khác: bạn phải nói trước mặt rất nhiều người, bạn là trung tâm của mọi sự chú ý, bạn phải nói rõ ràng,...và quan trọng nhất, cơ thể của bạn không ở trong trạng thái bình tĩnh như khi tập luyện: tim đập nhanh, toát mồ hôi, chân tay run rẩy, khó thở,... tất cả những phản ứng đó lại xuất hiện khiến cho bạn mất hết tự tin, và rồi lại THẤT BẠI một lần nữa. 


Tận dụng sức mạnh của Adrenaline

Thay vì tập luyện như cách truyền thống, hãy THAY ĐỔI. Bài viết trước từng đề cập: phản ứng của cơ thể đối với nỗi sợ là sự hưng phấn không khác nhau là bao. 

Vì vậy, trước khi tập luyện, hãy làm cho bản thân cảm thấy hưng phấn, nói cách khác là mô phỏng lại nỗi sợ một cách tích cực hơn. Hãy bật nhạc thật lớn, chạy nhảy, hò hét, làm bất cứ điều gì để adrenaline phát huy tác dụng và ngay lập tức tập thuyết trình khi bạn còn đang cảm thấy phấn khích. 

Điều này không chỉ giúp bạn quen với ảnh hưởng sinh lý của adrenaline mà còn giúp kết nối cảm xúc tích cực của tâm trạng hưng phấn vào việc thuyết trình. 

Mỗi khi bạn nói trước đám đông, sợi dây kết nối ấy lại phát huy tác dụng khiến cho bạn cảm thấy hưng phấn, tràn đầy nhiệt huyết - đó là khi bạn đã biết nỗi sợ từ KẺ THÙ trở thành NGƯỜI BẠN của mình.

Phần hai của loạt bài viết đã đề cập một cách khái quát những phương pháp hiệu quả giúp bạn vượt qua nỗi sợ thuyết trình. 

Ở phần thứ ba, tôi sẽ chia sẻ cho các bạn những kinh nghiệm trong việc sử dụng "PHƯƠNG TIỆN TRÌNH CHIẾU" (PowerPoint, Prezi, Google Presentation,...) để tận dụng tối đa sức mạnh của hiệu ứng hình ảnh, góp phần làm cho bài thuyết trình thêm sinh động và cuốn hút. (Đọc tiếp phần 3 TẠI ĐÂY)

Xem phần 1 của loạt bài "Vượt qua nỗi sợ khi thuyết trình trước đám đông" tại đây.

Đăng Nhận Xét

0 Nhận xét