Header Ads

Học ngành Vật lý kỹ thuật có dễ xin việc không?

Ngành Vật lý kỹ thuật có lẽ còn khá mới mẻ và xa lạ đối với nhiều bạn học sinh. Tuy nhiên, theo thống kê chung thì ngành này ngày càng thu hút nhiều thí sinh đăng ký dự tuyển. Chương trình học tập của ngành Vật lý kỹ thuật khá hấp dẫn và lôi cuốn. Triển vọng nghề nghiệp cũng không kém phần lạc quan. Để hiểu rõ hơn về ngành học này, mời các bạn cùng tham khảo qua bài viết sau đây.

1. Khái quát về ngành Vật lý kỹ thuật

Vật lý kỹ thuật có tên trong tiếng Anh là Engineering Physics. Đây là một ngành khoa học chuyên nghiên cứu các ngành kết hợp của Vật lý, toán học và công nghệ. Đặc biệt nhất là máy tính, điện, điện tử, hạt nhân, vật liệu hoặc cơ khí.

Về cơ bản, những người kỹ sư làm trong ngành Vật lý kỹ thuật sẽ thường xuyên tập trung vào những phương pháp khoa học hiện đại nhằm tìm ra những cách áp dụng, thiết kế cũng như phát triển các giải pháp mới trong kỹ thuật.

Ngành Vật lý kỹ thuật

Vật lý kỹ thuật là một lĩnh vực khoa học và kỹ thuật chuyên nghiên cứu và ứng dụng những phát minh, kiến thức thuộc chuyên ngành Vật lý và kỹ thuật vào các hoạt động sản xuất, đồng thời ứng dụng các công nghệ vật lý để phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp và đời sống của con người.

Không giống như một số ngành kỹ thuật truyền thống khác, ngành Vật lý kỹ thuật không chỉ hạn hẹp trong một ngành khoa học, kỹ thuật hoặc vật lý chi tiết nào đó.

Thay vào đó, ngành Vật lý kỹ thuật cung cấp một nền tảng vừng vàng hơn về những ứng dụng vật lý cho một chuyên ngành được chú trọng như Quang học, Khoa học vật liệu, Cơ học ứng dụng, Vật lý lượng tử, Điện tử, Công nghệ Nano, Điện toán, Quang tử, Vi điện tử, Cơ khí, Kỹ thuật hạt nhân, Vật lý sinh học, Điện kỹ thuật, Lý thuyết điều khiển, Năng lượng, Vật lý chất rắn, Khí động học,...

Học ngành Vật lý kỹ thuật có dễ xin việc không?

Đây là một ngành học chuyên ưu tiên cho việc tạo ra đồng thời tối ưu hóa những giải pháp kỹ thuật thông qua việc nâng cao sự hiểu biết và ứng dụng tổng hợp các nguyên lý khoa học, Toán học, thống kê và kỹ thuật.

2. Nhu cầu của thị trường lao động Việt Nam đối với ngành Vật lý kỹ thuật

Ngành Vật lý kỹ thuật là một ngành chuyên về kỹ thuật chứ không đơn thuần là một ngành thuần túy về vấn đề nghiên cứu khoa học . Ngành này vừa đóng vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp, đồng thời cũng giúp đưa những sáng chế và phát minh mới từ các nghiên cứu có bản tính vật lý vào trong cuộc sống và các hoạt động sản xuất.

Luôn dẫn đầu trong top những mặt hàng trọng điểm trong hoạt động xuất khẩu tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhóm các sản phẩm công nghệ như điện thoại di động, máy vi tính, các linh kiện điện tử, là đầu ra của ngành Vật lý kỹ thuật, chiếm đến trên 33% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Cùng với sự phát triển của nhóm các sản phẩm công nghệ hiện đại này, nguồn nhân lực trong ngành Vật lý kỹ thuật ở Việt Nam cũng tăng trưởng không ngừng và có vai trò vô cùng ý nghĩa cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Nhu cầu thị trường của ngành Vật lý kỹ thuật là rất lớn

Tại thành phố Hồ Chí Minh, một trong những nơi tập trung đông đúc các công xưởng công nghiệp lớn của cả nước, nếu chỉ tính riêng ngành Kỹ thuật và Công nghệ thì nhu cầu nguồn nhân lực từ năm 2015 – 2020 chiếm đến 35% tổng nhu cầu.

Cụ thể: trong ngành Vật lý kỹ thuật và điện tử thì ngày càng có nhiều công ty nước ngoài thành lập nhà máy tại các khu công nghiệp trọng điểm và các khu chế xuất ở nước ta, như Canon Vietnam gồm có 25.000 nhân công, Foxconn Vietnam sở hữu 10.000 nhân công, Panasonic Vietnam có tổng cộng 8.000 nhân công, 8.000 nhân công làm việc tại Meiko Vietnam, 2.000 nhân công làm việc tại LG Việt Nam

Và đặc biệt, Samsung Việt Nam có số lượng trên 110.000 nhân công đang làm việc. Xu hướng này cũng đi đôi với sự phát triển của công nghệ sản xuất pin mặt trời, các bóng đèn chiếu sáng công nghệ LED, ô tô điện hoặc là màn hình điện thoại di động thiết kế bằng vật liệu lai hữu cơ.

3. Ngành Vật lý kỹ thuật học những gì?

Sinh viên theo học ngành Vật lý kỹ thuật sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về Vật lý, về khoa học kỹ thuật cũng như nhiều kỹ năng giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế.

Kết hợp với nền tảng đó là hệ thống các kiến thức chuyên ngành như: Vật liệu điện tử, vật lý tin học, vật lý và kỹ thuật ánh sáng, vật lý và công nghệ nano, năng lượng tái tạo, phân tích và đo lường lý tính để đáp ứng với môi trường việc làm sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, ngành Vật lý kỹ thuật còn trang bị cho các bạn sinh viên những kỹ năng thực hành, thiết kế, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề liên quan đến kỹ thuật. Đặc biệt, các bạn sẽ có cơ hội tham gia nhiều đề tài và công việc thực tế, cũng như nâng cao khả năng tư duy, tiếp cận các vấn đề mang tính khoa học, kỹ thuật ở những trình độ cao hơn.

4. Các khối thi vào ngành Vật lý kỹ thuật

Mã ngành đào tạo của ngành Vật lý kỹ thuật: 7520401. Các tổ hợp môn xét tuyển vào học ngành Vật lý kỹ thuật gồm có:
  • Khối A00 (Toán, Vật lý, Hóa học)
  • Khối A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh)
  • Khối A02 (Toán, Vật lý, Sinh học)
  • Khối D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh)

Điểm chuẩn của ngành Vật lý kỹ thuật theo thống kê năm 2018 của các trường đại học trong cả nước dao động trong khoảng từ 14 đến 20 điểm, tùy theo phương thức tuyển sinh của từng ngôi trường cụ thể.

5. Danh sách các trường có đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật ở Việt Nam

Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có một số trường có đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật, bao gồm:
  • Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM
  • Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
  • Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Trường Đại học Cần Thơ

6. Cơ hội việc làm của ngành Vật lý kỹ thuật

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Vật lý kỹ thuật có thể đảm nhận các công việc liên quan đến quản lý kỹ thuật, chuyển giao và ứng dụng công nghệ hiện đại tại các tập đoàn, công ty công nghệ xuyên quốc gia, chuyên kinh doanh về lĩnh vực vật liệu công nghệ hiện đại, các linh kiện vi điện tử, các thiết bị kỹ thuật ứng dụng trong năng lượng sạch, Y  sinh và môi trường. Cụ thể như sau:
  • Kỹ sư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tại những công ty trong nước, các công ty liên doanh và công ty nước ngoài.
  • Kỹ sư vận hành các thiết bị máy móc tại các bệnh viện trực thuộc Trung ương, trực thuộc tỉnh, thành phố.
  • Kỹ sư phân tích, chuyên gia viết báo cáo dự án, đề ra các chính sách khoa học công nghệ và quản lý dự án công tác tại các cơ quan trực thuộc nhà nước, sở Khoa học Công nghệ tại các tỉnh thành trong cả nước.
  • Khởi nghiệp, tự thành lập cho mình các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: sáng chế các loại máy dùng trong nông nghiệp, các thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại, các sản phẩm kỹ thuật phục vụ nhu cầu xã hội,... nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
  • Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường dạy nghề, các trường cao đẳng, đại học hoặc các viện nghiên cứu trong cả nước.
  • Chuyên viên phân tích: Gồm các hoạt động liên quan đến công tác mô phỏng, tính toán, phân tích và xử lý số liệu, tư vấn của các công ty luật về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
  • Các việc làm liên quan đến sự liên kết giữa sinh học, y học, dược học và vật lý, đặc biệt nhất là các công tác liên quan đến y tế và chăm sóc sức khỏe của con người.
  • Chuyên viên quản lý: Các công việc liên quan đến điều hành và quản lý chất lượng sản phẩm tại các công ty như Haesung, Hanel, Samsung, Rạng Đông, Điện Quang,...
  • Chuyên viên nghiên cứu và phát triển các sản phẩm khoa học hiện đại ở phòng R&D của các công ty như Samsung, BoViet, Viettel, Seoul Semiconductor và các trung tâm nghiên cứu quy mô khác tại Việt Nam.


Kỹ sư Vật lý kỹ thuật

7. Những tố chất cần thiết để thành công trong ngành Vật lý kỹ thuật

Để học tập và theo đuổi thành công trong ngành Vật lý kỹ thuật, học sinh cần hội tụ những tố chất và kỹ năng sau:
  • Kỹ năng phân tích số liệu
  • Kỹ năng giải quyết những vấn đề.
  • Kỹ năng phân tích, tổng hợp thông tin một cách nhanh chóng và chính xác.
  • Có kỹ năng về công việc thiết kế.
  • Kỹ năng hình thành ý tưởng; sáng tạo.
  • Tư duy logic, sáng tạo.
  • Yêu thích công việc nghiên cứu, chế tạo.
  • Có kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, diễn giải ý tưởng.
  • Kỹ năng làm việc độc lập kết hợp hài hòa với kỹ năng làm việc nhóm.
  • Tự lập kế hoạch cho từng công việc cũng như phương pháp hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
  • Kỹ năng phát hiện và xử lý tình huống một cách nhanh nhạy.

Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về ngành Vật lý kỹ thuật. Mến chúc các bạn yêu thích ngành này sẽ học tập thành công và sẽ có công việc ổn định trong tương lai.


Đăng Nhận Xét

0 Nhận xét